Tên tuổi và quê quán của Haven Shepherd
Haven Shepherd sinh vào ngày 10/3/2003 ở một làng quê thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam với cái tên khai sinh là Đỗ Thị Thúy Phượng.
Thảm kịch kinh hoàng tuổi ấu thơ
Phượng là kết quả của một mối tình ngang trái khi mà cha và mẹ ruột của cô ngoại tình và sinh ra cô, cho rằng tất cả mọi người sẽ không thể bỏ qua cho vệc mình ngoại tình và có con rơi, cha của Phượng đã đưa ra một quyết định chết chóc là tự tử cùng mẹ và cô bé Phượng khi đó mới 14 tháng tuổi.
Vào cái ngày thảm khốc đó, cha cô đã buộc thuốc nổ TNT quanh ông và mẹ của Phượng, còn cô bé thì bị kẹp ở giữa. Sau khi phát nổ, cha mẹ Phượng chết ngay lập tức còn Phượng bị sức ép của vụ nổ thổi tung lên trời khoảng 9m rồi rơi xuống. Do quá nghèo, ông bà của Phượng chỉ biết trông chờ vào lòng tốt của những người tốt bụng để cứu chữa cho cháu gái. Báo chí địa phương cũng vào cuộc, kêu gọi sự hảo tâm của bạn đọc và may mắn, cô bé thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng phải cắt bỏ đi hai chân.
Nhân duyên kỳ lạ với bố mẹ nuôi và bước ngoặt cuộc đời như một phép màu
Đôi vợ chồng người Mỹ Shelly và Rob Shepherd mặc dù đã có tới 6 người con, song họ là những người có đức tin tôn giáo mãnh liệt và tình thương bao la với trẻ em. Gia đình họ luôn rộng cửa chào đón và giúp đỡ những đứa trẻ cơ nhỡ, khó khăn.
Bà Shelly có một người bạn học là Pam Copes, vợ chồng ông Pam từng mất đi cậu con trai năm 1999, vì vậy, họ luôn dành thời gian cho hoạt động từ thiện và từng đến Việt Nam vài lần, ghé thăm trại trẻ mồ côi do một người bạn thành lập để giúp đỡ các em nhỏ như một cách tưởng nhớ cậu con trai xấu số. Năm Phượng bị tai nạn, tình cờ là năm vợ chồng Pam Copes đã rủ hai vợ chồng Rob và Shelly Shepherd đi cùng tới Việt Nam.
Ông bà của Phượng khi đó vì quá nghèo, không có khả năng nuôi cô bé nên đã đưa cô vào trại trẻ mồ côi khuyết tật và gặp được ông Pam trước đó. Tháng 10/2004, hai cặp vợ chồng đến Đà Nẵng. 4 người được dẫn đến một ngôi làng trên núi sau hành trình dài bằng ô tô và xe máy. Bà Shelly nhớ rất rõ khoảnh khắc lần đầu gặp cô bé Phượng. "Haven (Phượng) nằm trên tay chị gái. Tôi đưa cánh tay ra đỡ lấy con bé. Khoảnh khắc đó cảm giác như chúng tôi đã biết nhau".
Nhưng ly kỳ là khi đó, ông Pam đã giúp Phượng được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng người Mỹ khác, chính vì thế Shelly và Rob, dù rất quyến luyến cô bé cũng đành trở về Mỹ và nghĩ rằng sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại cô bé mất hai chân nhưng rất đáng yêu đó nữa. "Giây phút phải xa rời con bé, Shelly như muốn gục ngã", Rob nhớ lại.
Dẫu vậy, số phận dường như đã sắp đặt Thúy Phượng sẽ trở thành con của Shelly và Rob. 6 ngày sau khi cả hai về tới Mỹ, Pam gọi điện và thông báo rằng, cặp vợ chồng nhận nuôi Thúy Phượng đã thay đổi quyết định và không đến đón cô bé. Ngay lập tức, Shelly và Rob quyết định mang cô bé đến với gia đình mình. Đó là ngày 19/11/2004, ngày cô bé Haven Shepherd - tên gọi sau này của Thúy Phượng - gọi là ngày "Con đã tìm được bố mẹ".
Gia đình và bố mẹ mới của Haven luôn yêu thương và ở bên cạnh cô mọi lúc mọi nơi, họ giúp cô vượt qua mặc cảm không có đôi chân và cũng không giấu giếm về lý do tại sao cô mất đi nó. Điều này giúp Haven có đủ dũng khí đối mặt với mọi khó khăn và giữ được tinh thần vươn lên vô cùng mạnh mẽ.
Cả nhà Shepherd đều yêu thích thể thao và điều này cũng ăn vào máu của Haven từ khi bé. Haven bắt đầu tập bơi năm 10 tuổi, chỉ hai năm sau đó, cô bé được tuyển vào đội tuyển bơi chuyên nghiệp và gắn bó hàng ngày với đường đua xanh. Đến năm 13 tuổi, đội tuyển quốc gia Paralympic Mỹ bắt đầu để mắt đến Haven.
Cơ hội đến, Haven đã nỗi lực hết sức và sớm gặt được thành quả đầu tiên. Năm 14 tuổi, Haven bay sang Italy cùng đội tuyển Paralympic Mỹ và mang về hai tấm huy chương vàng đồng đội. Cứ thế cô tiếp tục nối dài thành tích đáng nể của mình. Tại Can-Am Open 2017, Haven về nhất nội dung 100 m bơi bướm, 50 m và 100 m bơi tự do, 100 m bơi ếch. Tại Giải Vô địch bơi lội dành cho người khuyết tật thế giới 2018, cô về nhất nội dung bơi tự do 50 m và 100 m. Năm 2019, Haven giành 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Parapan American Games - sự kiện đa thể thao quốc tế dành cho các VĐV khuyết tật được tổ chức 4 năm 1 lần.
Khi không tập luyện hay bận rộn học hành, Haven dành thời gian làm đại sứ đại diện cho những người khuyết tật. Cô bé đến thăm những quân nhân bị cụt chân tay, tham gia những buổi trò chuyện với học sinh phổ thông, ở đó Haven nói về những mặt tích cực khi ta khác biệt. Dù lớn lên giữa những con người lành lặn, Haven chưa bao giờ cảm thấy yếu đuối và mặc cảm về sự khiếm khuyết của mình
Sắp tới, Haven sẽ là thành viên đội tuyển Paralympic của Mỹ tham dự thế vận hội dành cho người khuyết tật Pralympic Tokyo 2021. Nơi cô gái trẻ đang rất háo hức thể hiện bản thân và coi đó là "đỉnh cao cuộc đời" của mình.
Gia đình Shepherd dự định sẽ đưa con gái về Việt Nam sau thế vận hội Tokyo để cô bé hiểu về cội nguồn của mình. Khi nhắc về cha mẹ ruột và tai nạn năm xưa, Haven không hề oán hận họ đã suýt tước đi mạng sống và khiến cô mất đi đôi chân của cô. "Tôi nghĩ tình cảnh của mình chính là lý do giải thích tại sao chúng ta không nên sống một cuộc đời vô định", Haven vui vẻ chia sẻ.
Bình luận