Những vấn đề nhức nhối xoay quanh trang phục thi đấu của các vận động viên tham gia Olympic Tokyo 2020 đang được rất nhiều người quan tâm. Nhiều người ra sức phản đối việc để các vận động viên, đặc biệt là VĐV nữ mặc những trang phục bó sát, khiến họ vô tình mang những hình ảnh "gợi tình" bất đắc dĩ trong các cuộc thi đấu. Điều này cũng thể hiện sự bất công khi đa số các vận động viên nữ tham gia những bộ môn như bơi lội, thể dục dụng cụ, điền kinh... đều bị bắt buộc phải mặc trang phục bó sát, cắt xẻ táo bạo như bikini.
Nhà báo nổi tiếng người Anh - Piers Morgan thể hiện quan điểm riêng của ông trong mùa Olympic Tokyo 2020 khi để các vận động viên bơi lội nam mặc những bộ chiếc quần bơi quá ngắn trông giống quần lót, có phần phản cảm khi thi đấu. Ý kiến của ông thể hiện sự phê phán rõ ràng dành cho Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh về những quy định về trang phục thi đấu ở một số bộ môn đặc thù.
Sẽ không có gì đáng để suy nghĩ cho tới khi một bộ phận người xem lại cho rằng, nhà báo người Anh đang chỉ "bênh vực" cho nam giới, trong khi phụ nữ cũng đang trở thành nạn nhân của hình ảnh "gợi tình" trong cuộc thi. Họ thậm chí còn bị phạt nếu không mặc bikini thi đấu ở một số bộ môn.
Không chỉ Olympic mà ở nhiều cuộc thi thể thao, trang phục của nữ giới có nhiều quy định nghiêm ngặt. Trong khi nam giới có các sự lựa chọn về đồng phục thì vận động viên nữ chỉ được mặc bikini với phần đáy cắt một góc xiên hướng lên và không được dài quá 10cm hay mặc những chiếc áo lót thể thao với phần khoét tay hở hang. Tất cả những điều này đều hướng tới sự phô diễn cơ thể quá đà đối với phụ nữ.
Điều này được lý giải là nhằm thể hiện sự khác biệt giữa đồng phục thể thao nam và nữ, nhưng vô hình chung, lại giống như đang ép buộc các vận động viên nữ phải khoe da thịt trước công chúng dù họ muốn hay không.
Bên cạnh trang phục, những hình ảnh từ báo giới cố ý tập trung vào cơ thể của vận động viên nữ trong những bộ đồng phục bó sát cũng là một vấn đề đáng lên án. Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) năm nay đã kêu gọi truyền thông ngừng sử dụng hình ảnh tình dục hóa nhằm thu hút lượt chú ý của truyền thông, đồng thời họ cũng cho phép nữ động viên được lựa chọn trang phục mong muốn.
Hưởng ứng lại tinh thần hợp tác của IOC, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức đã tham gia thi đấu với những bộ trang phục jumpsuit kín đáo hơn. Với chất liệu cơ động và thiết kế bó sát, họ vẫn đảm bảo mang đến những màn trình diễn đẹp mắt mà vẫn thoải mái.
Dịch vụ truyền thông tại Olympic Tokyo 2020 cũng cam kết sẽ có những góc quay văn minh nhất, thể hiện sự tôn trọng dành cho các vận động viên. Các nữ vận động viên sẽ không còn nỗi sợ bị phóng to cơ thể, ghi dấu ấn tại Thế vận hội bằng kĩ năng, tinh thần thể thao chứ không phải những hình ảnh “gợi tình”. Xét cho cùng, đây là đại hội thể thao, không phải ngày hội của những kẻ ưu soi mói hình thể của các VĐV.
Những thay đổi về quy định trang phục của Olympic Tokyo 2020 chính là lời kêu gọi của tất cả nữ giới và những người bảo vệ nữ quyền trên thế giới. Hy vọng, đây sẽ là tiền đề để những cuộc thi khác cũng chú trọng bảo vệ hình ảnh phụ nữ khỏi những vấn nạn tình dục hoá, quấy rối tình dục trong lĩnh vực thể thao.
Bình luận