“Vẫn kịp giải ngân cho anh khách 5,5 tỉ trong ngày. Ngân hàng em đang cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất siêu ưu đãi, ai có nhu cầu liên hệ em...”.
Bên dưới là hình ảnh hợp đồng tín dụng có chữ kĩ, đóng dấu của “nhân viên cho vay” của Ngân hàng rất chuẩn chỉ, mang tên Bùi Trọng Nghĩa.
“Nghề này không đùa được, phải rất chuẩn nhé, cái gì cũng tuân thủ quy trình đầy đủ của ngân hàng, sai mà chết à, có phải như đi đá bóng đâu... Còn cứ quy trình đầy đủ, thẩm định xong, phê duyệt là giải ngân trong 1 nốt nhạc thôi. Sau dịch đang cho vay phát triển kinh doanh ưu đãi lắm đây này..."
Cái anh chuyên viên ngân hàng này, có cái kiểu nói chuyện hài hước rất riêng, “chào khách” rất riêng, thậm chí còn “bắt trend” hài vui trên Facebook khi đăng ảnh anh ta đang chạy đua cùng Công Vinh, và thêm câu “Ngày xưa chạy đuổi nhau, giờ người phải sao kê, người lo chạy cho đủ KPI...”.
Còn với bóng đá phủi, anh chuyên viên tín dụng này đá đủ 2 giải phủi tầm cao này, cộng cả tá giải phủi khác, giành đủ loại Cúp phủi, vào đội hình tiêu biểu HPL vài lần.
Cái chữ kí Bùi Trọng Nghĩa ở cuối mỗi hợp đồng tín dụng, khách hàng bình thường chỉ biết anh này là người của ngân hàng. Còn với những CĐV bóng đá lâu năm, hoặc mê phủi, Bùi Trọng Nghĩa – Nghĩa “chém” Hải Phòng - thì chẳng ai lạ.
Cách đây chẵn chục năm, có 1 đám cưới đình đám ở Hải Phòng. Đình đám bởi cô dâu Trần Trà My là tiểu thư của một gia đình kinh doanh có tiếng ở đất Cảng. Chú rể Bùi Trọng Nghĩa khi đó được coi là “công tử bóng đá đất Cảng”. Xi Măng Hải Phòng giai đoạn tầm 2007-2010 là những ngày tháng rực rỡ nhất, Lạch Tray cứ mỗi lần có trận đấu sân nhà là ầm ĩ với pháo sáng rực trời. Đám cưới Trọng Nghĩa, thầy Vương Tiến Dũng lên sân khấu hát tặng một bài rồi chúc phúc đôi trẻ.
Thời đó tài chính mạnh, Hải Phòng sắm về cả tá siêu sao, riêng một anh hậu vệ cánh có xuất đá chính là người gốc Hải Phòng. Xuất thân cầu thủ năng khiếu lại còn đai đen teakwondo, chơi bóng máu lửa, đến nỗi mỗi mùa, anh lại làm đôi cái thẻ đỏ, nên mới có biệt danh Nghĩa “chém”. Tính cách lẫn phong cách chơi bóng đặc sệt, điển hình kiểu “dân đất Cảng” lại chính là yếu tố khiến Trọng Nghĩa rất được yêu mến ở sân Lạch Tray. Trong những chuyện cũ kể lại, Trọng Nghĩa từng đứng giữa phòng thay đồ tuyên bố với cầu thủ tứ xứ “các ông đừng tính đem đội bóng quê hương tôi ra mà làm kinh tế”.
Chuyện tình của Trọng Nghĩa với Trà My cũng là câu chuyện tình cổ tích, anh cầu thủ yêu cô tiểu thư đến tận chục năm, từ hồi còn học phổ thông, qua bao sóng gió mới đến ngày thành đôi.
Người khác đi đá bóng để kiếm sống, Nghĩa “chém” đúng thực sự chơi bóng vì đam mê, bởi 2 bên gia đình đều kinh doanh. Trọng Nghĩa nhiều lần bị gọi về, được bảo nghỉ để quán xuyến cơ ngơi gia đình.
Trôi dạt thêm đôi mùa ở Cần Thơ, rồi Than Quảng Ninh, Nghĩa “chém” giải nghệ cầu thủ chuyên nghiệp. Lập gia đình rồi 2 đứa con ra đời, thời trai trẻ với bầu máu nóng đã qua, nhưng trên sân bóng thì “con ngựa bất kham” vẫn chưa dừng lại.
Việc nhiều cầu thủ phủi đình đám được tuyển vào Ngân hàng làm để tham gia bóng đá phong trào ngành Ngân hàng không hiếm. Những giải Cup mùa xuân mà các đội bóng Ngân hàng thi đấu với nhau chẳng khác gì một giải phủi chuẩn.
Khi Trọng Nghĩa vào 1 ngân hàng làm, thì ai cũng tưởng “vào để đá bóng à”. Nhưng không, anh chàng bỏ 2 năm đi học chuyên ngành cẩn thận, rồi “áo vest, giầy Tây” chính thức trở thành chuyên viên tín dụng. Sự nghiệp “nhân viên văn phòng” của Trọng Nghĩa cũng đã kinh qua 2 ngân hàng, với kinh nghiệm tích lũy ngày một nhiều lên.
Giờ hành chính đi làm, hết giờ ra sân, với Trọng Nghĩa, đẳng cấp lập tức được khẳng định. “Công tử bóng đá đất Cảng” ngày nào thành ngay ngôi sao ở những Ngân hàng mình đầu quân, rồi làm mưa làm gió ở đủ giải phủi, trở thành cái tên được các đội bóng phủi, ông bầu phủi mời về. Vốn tính ham vui, giao tiếp rộng, nể nang bạn bè, Trọng Nghĩa khoác áo đủ đội, đá đủ giải.
Vợ con hiện ở Hà Nội, một mình sống giữa đất Sài Gòn vừa làm ngân hàng vừa đi đá phủi, cuộc sống với Nghĩa chém bây giờ là: “Về chung thủy, yêu thương vợ con, thì em tự chấm mình điểm 10 luôn. Làm ngành ngân hàng, nói thật ban đầu không quen, cả đời vốn chỉ xách giày đi đá bóng, rồi thì mình cũng tự phải học hỏi để hoàn thiện bản thân, học từ những kĩ năng nghiệp vụ nhỏ nhất. Còn với bóng đá, giờ “lành” rồi, đá vui đá đẹp, cái biệt danh Nghĩa “chém” thì vẫn còn, nhưng giờ là anh em vẫn quen gọi thôi...”.
“Nào, thế có nhu cầu vay vốn không, vay thì vay vài tỉ đi nhé, vay mấy trăm làm hồ sơ mệt lắm, có cần làm thẻ tín dụng thì báo luôn đi, hạn mức cao, ưu đãi nhiều...”
Nhiều vận động viên thể thao, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp vẫn phải loay hoay sau khi giã từ sự nghiệp, vật lộn với cuộc sống mưu sinh sau khi giải nghệ. Riêng với Trọng Nghĩa, dù nền tảng gia đình vững, vẫn đầy ý thức trách nhiệm với công việc của một anh nhân viên, bởi “gia đình là số 1, lao động là vinh quang, bóng đá là niềm vui sống”.
Bình luận