Miền Bắc cữ tháng 5, đầu tháng 6 chính là mùa vải ở miền Bắc với 4 loại vải chín luân phiên. Sớm nhất là u trứng cỡ đầu tháng 5, rồi đến u hồng, tàu lai, chín muộn nhất là vải thiều vào khoảng nửa đầu tháng 6. Thời điểm vải chín rộ, khắp nơi phố thị, đâu đâu cũng thấy vải với mức giá vô cùng hợp túi tiền, chỉ khoảng 17, 20 ngàn/ kilogram, cao lắm cũng chỉ ở mức 35, 40 ngàn đồng. Nói thế để thấy, việc mua vải, ăn vải cho đã, cho sướng cái miệng là điều quá ư là dễ dàng với đại đa số.
Thế nhưng những quả vải đỏ au bó thành chùm vẫn khó có thể đem lại cảm giác thích thú như khi được đến vườn vải, ăn những quả vải tươi rói vừa bứt tức thì trên cành rồi lột vỏ, đưa vào miệng. Nhất là khi đó lại là vải thiều Thanh Hà, cái nôi của của vải thiều.
Miền Bắc có nhiều vùng trồng vải như vải Đông Triều (Quảng Ninh), Lục Ngạn (Bắc Giang), Chí Linh và Thanh Hà (Hải Dương), nhưng vải Thanh Hà vẫn có vị trí đặc biệt trong lòng người sành ăn.
Tôi vô cùng may mắn khi có dịp về thăm vườn vải Thanh Hà của gia đình một đồng nghiệp vào đúng dịp vải tàu lai chín đỏ và vải thiều bắt đầu có thể thu hoạch. Dù hôm đến Thanh Hà, thời tiết mát mẻ bất ngờ so với cái nắng gắt kéo dài cả tuần trước đó nhưng 7 giờ sáng, các cô, các bác đã hòm hòm việc thu hái vải. Có lẽ vì tính chất trái cây cần thu hoạch thật sớm để vận chuyển tươi mới trong ngày.
Lần đầu đến vườn vải vào mùa thu hoạch, thời tiết mát mẻ, nắng nhẹ khiến tôi có cảm giác như Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Cây nào nấy sai trĩu quả, cành lại thấp, chỉ cần đưa tay ra là hái ngay được những quả vải đỏ hồng, mọng nước.
Vì lối vào vườn vải nhà đồng nghiệp ngay ở khu vải tàu lai, thêm nữa vài tàu lai đang vào chính vụ, cứ ửng đỏ, lúc lỉu nên sau khi được các cô, các bác mời "cứ tự nhiên mà hái", chúng tôi lập tức hái ngay những quả vải trông có vẻ ngon mắt nhất trong tầm với của mình. Sau lớp vỏ hồng, vải tàu lai thịt dày, điểm chút chua dịu khiến cả nhóm quên mất việc phải dậy từ 4 giờ để 5 giờ kịp lên ô tô xuất phát về Hải Dương.
Duy chỉ có đồng nghiệp chúng tôi vốn là cháu của chú vườn, lớn lên bằng vải vẫn rất điềm tĩnh thấy chúng tôi hào hứng với vải tàu lai. Chị bắt đầu đi sang dãy vải thiều vốn lớp vỏ mới đang hồng nhạt, quả cũng bé hơn so với tàu lai và bảo cả nhóm thử đi.
Đúng là không nên trông mặt bắt hình dong và ta nên tin người có khả năng chọn vải ngon từ khi 3 tuổi mà không cần ai hướng dẫn. Dù chưa chín đỏ nhưng vải thiều Thanh Hà khác biệt thực sự. Nhiều người hay than ngại nhất khi ăn vảo là bị sâu đầu nhưng hôm ấy, cả nhóm 7 người cả người lớn, trẻ em chúng tôi ăn mải miết mà gần như chẳng có quả nào sâu đầu.
Quan trọng hơn hết, dù lớp màng vẫn còn trắng nhưng thịt quả đã dày lắm rồi, khi bóc, quả rất ráo tay, khi đưa trái vải lên miệng, vị ngọt dịu lan trong khoang miệng đi cùng với mùi thơm nhẹ đặc trưng. Chẳng thế mà một chị trong nhóm tôi vốn khẳng định mình chỉ là fan của mận đã đánh tì tì vài chục quả.
Ngon, thì hẳn rồi, nhưng cái thú của việc được hái trái tươi, ăn ngay tức khắc dưới tán vải sum suê nó còn kiến cái ngon ấy nhân lên bội phần. Cảm giác vừa đi dưới tán cây xanh um lâu lâu vui tay thì lột vỏ bỏ miệng rồi hái những chùm quả tuỳ thích thực sự thích vô cùng. Hơn nữa, cây vải vốn chẳng có sâu, cành lại dễ bẻ nên người lớn thậm chí trẻ nhỏ cứ vô tư hái.
Có một lời đồn đại về vải thiều Thanh Hà là hạt rất nhỏ. Đúng nhưng không phải quả nào cũng thế. Theo lời dân bản địa lớn lên với vải, chỉ những quả vải đít bành hoặc đít nhọn thì hạt mới nhỏ. Kể ra vừa hái, vừa thi nhau đi tìm xem ai kiếm được quả vải hạt nhỏ hơn cũng là một cái thú.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ cùng kinh nghiệm lâu năm của những người nông dân đang được tiếp cận với công nghệ hiện đại, những quả vải được chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển nhanh chóng tới tay người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được độ tươi ngon như vừa hái trên cây xuống. Nhưng cảm giác được tự tay hái quả vẫn rất khác biệt.
Từ vườn vải trở về sau gần 3 tiếng ăn, chơi, khám phá, chụp ảnh, chúng tôi đã kịp mang theo cả gần trăm cân vải do chính tay mình hái. Không chỉ là quà mang về mà đó còn là niềm vui của một trải nghiệm mới để hiểu hơn về nông sản Việt.
Không giống như các miệt vườn miền Tây, hầu hết các vườn quả đặc sản ở miền Bắc đều không mở cửa cho khách du lịch đến tham quan tại vườn. Tuy nhiên nếu có người quen ở vùng đặc sản như vải Thanh Hà chẳng hạn, bạn hãy xin đến thử trải nghiệm một lần cho biết. Nhưng nếu được tới, xin hãy nhớ tôn trọng sản xuất của thiên nhiên và công người chăm sóc để không lãng phí. Và tất nhiên, hãy dọn sạch sẽ rách trước khi ra về.
Chúc các bạn sớm có cơ hội ghé thăm những vườn cây trái đặc sản, như mình được tới vườn vải thiều Thanh Hà đúng mùa thu hoạch.
Bình luận