Nhà thiết kế nội thất Ekaterina Ageeva là giám đốc điều hành của Văn phòng kiến trúc Archpoint (Nga), đơn vị thành lập từ năm 1999 với số lượng dự án thiết kế trên khắp thế giới lên đến con số hơn 200. Hôm nay, cô sẽ chia sẻ với độc giả về cách lập kế hoạch ngân sách cho việc cải tạo một căn hộ, những gì bạn có thể tiết kiệm và những gì bạn không nên dè sẻn chi phí để có được một kết quả như mong đợi.
Lưu ý: Đây chỉ là những lời khuyên cơ bản nhất cho những người cần lên một kế hoạch sơ bộ khi bắt tay vào việc chuẩn bị cải tạo không gian sống của mình, vì thế Ekaterina Ageeva sẽ không đi vào chi tiết quá kỹ lưỡng. Bạn cần nắm những yếu tố tiên quyết này để triển khai sâu sát hơn nhé!
1. Dịch vụ thiết kế
Điều đầu tiên mà bạn không nên tiết kiệm là các dịch vụ của một nhà thiết kế, người sẽ lập kế hoạch không gian trong căn hộ của bạn, lựa chọn các vật liệu cần thiết để giúp bạn tiết kiệm chi phí.
Nhiệm vụ của nhà thiết kế bao gồm chuẩn bị các bản thảo và dự án làm việc. Bản thiết kế bao gồm việc lựa chọn phong cách chung, đồ đạc, vật dụng bên trong và cách bố trí mặt bằng. Nhờ vào một kế hoạch chu đáo và phân khu hợp lý mà bạn có thể tạo ra một nội thất thoải mái ngay cả trong một căn hộ nhỏ bằng cách sử dụng bất kỳ đồ nội thất nào có kích thước tiêu chuẩn. Bản thảo sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho công việc của kỹ sư xây dựng, họ sẽ thực hiện theo kế hoạch được lập sẵn.
2. Phong cách
Một không gian sống hoàn hảo không chỉ đẹp mà còn phải toát lên gu thẩm mỹ của gia chủ. Thế nhưng, không phải phong cách nào cũng phù hợp với bạn (nếu xét về mặt kinh tế). Bởi lẽ, những kiểu phong cách cổ điển hay quý tộc sang trọng cần những vật liệu đắt tiền, nội thất cầu kỳ, chi tiết tỉ mỉ đòi hỏi chi phí cao. Vậy nên, nếu ngân sách eo hẹp, bạn hãy thử trải nghiệm những phong cách đơn giản nhưng tinh tế và phù hợp với xu hướng hiện đại như: Scandinavian của xứ Bắc Âu, Minimalism (phong cách tối giản),... chứ đừng cố tạo ra những phong cách đắt giá từ vật liệu rẻ tiền!
3. Hệ thống điện
Trước khi mời một người thợ điện đến căn hộ, tốt nhất là bạn nên chuẩn bị một kế hoạch để trao đổi với nhà thiết kế. Điều này rất quan trọng, bởi vì ở giai đoạn hoàn thiện, bạn sẽ khó lòng thay đổi vị trí của đường dây hoặc bổ sung mà không ảnh hưởng đến việc sửa chữa. Thêm vào đó, nếu không có một kế hoạch chu đáo, bạn có thể sẽ không thể tránh được dây nối dài, dây điện lủng lẳng, công tắc khó xử hoặc thiếu ổ cắm trong tương lai. Cũng nên tin tưởng vào nhà thiết kế trong việc lựa chọn thiết bị điện - tốt hơn là nên mua sản phẩm từ các thương hiệu đáng tin cậy.
4. Những bức tường
Để trang trí bức tường tiết kiệm nhất có thể, hãy đánh giá tình trạng của chúng. Việc sơn tường thoạt nghe có vẻ là một phương án rẻ tiền. Nhưng trên thực tế, các bức tường đạt điều kiện để tạo bề mặt sơn đẹp phải phẳng tuyệt đối, và việc san lấp mặt bằng là một công việc tốn nhiều công sức và chi phí. Do đó, nếu các bức tường trong căn hộ không đồng đều, tốt hơn là bạn nên xử lý bằng giấy dán tường để che giấu một số khiếm khuyết trong xây dựng. Nếu bạn đang làm việc với một nhà thiết kế, họ sẽ tư vấn cho bạn. Nhưng nếu bạn tự sửa chữa một mình thì hãy nghiên cứu trước các yêu cầu về việc chuẩn bị tường cho các loại sơn phủ khác nhau.
5. Trần và sàn nhà
Trang trí trần nhà càng đơn giản càng đẹp nên bạn có thể tiết kiệm chi phí ở khoản này, nên sử dụng sơn sáng màu để tạo cảm giác trần cao hơn thực tế. Tuy nhiên, đối với sàn nhà thì không nên dè sẻn vì đây là cơ sở của nội thất. Yêu cầu chính đối với sàn nhà là nó trông phải tự nhiên. Nếu bạn không sẵn sàng chi nhiều tiền cho những loại gỗ hay gạch quý đắt tiền thì cũng cần chọn loại có chất lượng để đảm bảo độ bền khi sử dụng thời gian dài.
6. Thiết bị chiếu sáng
Những thiết bị chiếu sáng của các phòng hợp thành hệ thống chiếu sáng cho toàn bộ căn hộ. Nếu ngân sách có hạn, bạn không nên chọn những mẫu thiết kế có kiểu dáng phức tạp, cầu kỳ, quá nhiều chi tiết vì chúng thường không cung cấp nhiều ánh sáng mà thiên về tính thẩm mỹ, trang trí nhiều hơn. Lúc đó bạn sẽ cần vài thiết kế đơn giản để chiếu sáng thông thường. Hệ thống đèn âm trần, đèn âm tường sẽ là gợi ý hay giúp không gian nhỏ trở nên thông thoáng. Chú ý đến nhiệt độ màu - Correlated Color Temperature (CCT) - tốt hơn là chọn nhiệt độ màu dễ chịu, thường là 2700K hoặc 3000K.
7. Cửa
Để tiết kiệm chi phí, bạn không nên chọn cửa bên trong có lắp đặt ẩn. Chúng đẹp nhưng đắt tiền và khó lắp đặt hơn. Hãy ưu tiên cho những cánh cửa đơn giản, không rườm rà nhưng được làm bằng vật liệu tự nhiên. Chú ý đến lớp đệm bên trong - một cánh cửa chất lượng phải được làm bằng gỗ nguyên khối. Không mua cửa gỗ dán, chúng phát ra kêu lạch cạch, sập xệ và nhanh hỏng.
8. Nội thất nhà vệ sinh
Bạn có thể tham khảo những mẫu bồn rửa và bồn cầu đơn giản nhất cho nhà vệ sinh, nhưng điểm quan trọng cần lưu ý là chúng phải được làm từ chất liệu cao cấp và có khả năng chống mài mòn tốt. Ví dụ, một chiếc bồn cầu làm bằng đất nung không đắt, nhưng chất bẩn ăn vào bề mặt xốp của nó theo thời gian gần như là không thể rửa sạch!
Bình luận