Nội dung chính
Prada là một thương hiệu thời trang cao cấp của nước Ý, nổi tiếng với trang phục nam nữ, giày dép, túi xách... Nó được xem là một trong những nhà mốt lâu đời và thành công nhất trên thế giới.
Thương hiệu thời trang Prada được thành lập bởi Mario Prada. Ông sinh ra tại Milan, nước Ý. Năm 1958, cha đẻ của nhà mốt Prada qua đời.
Năm 1913, Mario Prada mở một cửa hàng sang trọng nằm ở Galleria Vittorio Emanuele II, một trong những con phố mua sắm tấp tập tại thành phố Milan. Cửa hàng này chuyên kinh doanh túi da, rương du lịch, phụ kiện bằng da, hộp đựng đồ trang điểm, các sản phẩm thời trang có giá trị cao…
Các thiết kế của Prada được làm thủ công với kĩ thuật đầy tinh xảo, vật liệu chất lượng cao. Bởi vậy, thương hiệu này nhanh chóng được giới thượng lưu, quý tộc châu Âu để ý tới.
Năm 1919, Prada vinh dự được lựa chọn làm nhà cung cấp chính thức cho Hoàng gia Ý. Nhà mốt này thậm chí còn được cho phép sử dụng hình ảnh quốc huy và dây thừng của công trình Hoàng gia Savoy (House of Savoy) trên logo của mình. Đây là một thành tựu to lớn đối với một công ty trẻ, giúp danh tiếng và mức độ uy tín của Prada ngày một lan rộng hơn.
Năm 1958, Mario Prada qua đời. Trước đó, cha đẻ của thương hiệu này mang thành kiến phụ nữ không thể làm kinh doanh, nên không một người phụ nữ nào trong gia đình Prada được tham gia vào các hoạt động của công ty. Tuy nhiên, con trai của Mario Prada lại không có chút hứng thú nào đối với việc kinh doanh thời trang, nên cuối cùng Prada được kế thừa bởi con gái của Mario Prada là Luisa Prada.
Năm 1977, Prada được con gái của Luisa Prada là Miuccia Prada đảm nhiệm. Đây là một điều gây bất ngờ lớn với công chúng bởi Miuccia Prada thời điểm đó đã có bằng tiến sĩ khoa học chính trị và mong muốn được làm diễn viên kịch câm.
Tuy nhiên, chính Miuccia Prada là người đã đưa Prada lên một tầm cao mới, biến công ty chuyên sản xuất đồ da thành cái tên hàng đầu khi nhắc tới thời trang nước Ý. Một trong những dấu mốc quan trọng nhất của thương hiệu là khi Miuccia Prada bắt tay hợp tác với Patrizio Bertelli, một nhà kinh doanh trong ngành da thuộc. Patrizio cho rằng Prada nên ngừng bán các sản phẩm thuộc thương hiệu khác, mà làm lại những thiết kế túi xách, hành lý bằng da nguyên gốc của nhà sáng lập Mario Prada.
Năm 1982, Prada ra mắt BST giày đầu tiên. Năm 1983, Prada mở cửa hàng thứ hai ở Via della Spiga, khu mua sắm uy tín nhất của Milan. Cửa hàng này vẫn giữ được những nét đặc trưng của cửa hàng đầu tiên nhưng lại được thêm một số chi tiết hiện đại, hào nhoáng hơn.
Năm 1985, Prada giới thiệu tới công chúng mẫu túi xách Prada classic. Vẻ đẹp sang trọng cùng những đường nét thủ công tỉ mỉ, tinh tế đã giúp chiếc túi nhanh chóng gây sốt giới mộ điệu.
Năm 1987, Patrizio Bertelli từ người cố vấn trở thành chồng của Miuccia Prada. Sự kết hợp của cặp đôi đã giúp Prada không ngừng phát triển trên toàn thế giới. Hiện Patrizio Bertelli là CEO còn Miuccia Prada phụ trách thiết kế chính cho Prada.
Năm 1989, Prada ra mắt BST thời trang ready-to-wear đầu tiên dành cho phụ nữ. Các thiết kế của Prada mang đặc trưng tối giản, thể hiện vẻ đẹp sang trọng và thanh lịch. Phom dáng cứng cáp, hoạ tiết art deco, những đường cắt cúp tinh tế là các hình ảnh cộp mác Prada.
Năm 1992, Miuccia Prada thành lập nhãn hiệu Miu Miu, đặt theo tên gọi thân mật của bà. Đối tượng khách hàng Miu Miu hướng tới là giới trẻ và giới showbiz.
Năm 1994, doanh số thu được tại Mỹ của Prada đạt tới 210 triệu đô la, trong đó doanh thu của các sản phẩm quần áo thời trang tăng tới 20%. Năm 1995, Miuccia Prada cũng giành được giải thưởng CDFA cho nhà thiết kế của năm. Những năm sau đó, nhà mốt liên tục mở các cửa hàng tại Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Năm 1997, doanh thu của Prada chạm mốc 674 triệu đô la Mỹ.
Vào cuối thập niên 90s, Prada dưới sự điều hành kinh doanh của Patrizio Bertelli đã lần lượt thâu tóm nhiều thương hiệu như Helmut Lang, Jil Sander. Ngoài ra, Prada còn bắt tay với tập đoàn LVMH, đánh bại Gucci để thu mua 51% cổ phần của Fendi. Tuy nhiên sau đó nhà mốt nước Ý đã phải bán lại 25,5% cổ phần Fendi cho LVMH để trả những khoản nợ đã vay ngân hàng. Tới năm 2006, Prada cũng lần lượt bán các nhãn hiệu Helmut Lang, Amy Fairclough, Jil Sander.
Năm 2007, Prada hợp tác với LG để tung ra thị trường điện thoại màn hình cảm ứng Prada. Hơn một triệu chiếc điện thoại đã được bán ra trong vòng một năm rưỡi.
Thuở mới thành lập, logo của Prada bao gồm tên thương hiệu được viết in hoa cùng ghi chú Milano (nơi khai sinh thương hiệu) và dòng chữ DAL 1913 (có nghĩa là thành lập năm 1913). Đáng chú ý là được sự cho phép của hoàng gia Savoy, Prada đã sử dụng biểu tượng hoàng gia trên logo của mình nhằm gây ấn tượng với công chúng.
Dưới thời của Miuccia Prada, mọi thứ của thương hiệu được tối giản một cách triệt để. Biểu tượng hoàng gia Savoy vẫn được giữ lại nhưng lại thu nhỏ hơn nhiều so với ban đầu. Các chi tiết trên logo được xếp gọn trong hình tam giác ngược.
Sau khi Raf Simons gia nhập đội ngũ thiết kế của Prada, thương hiệu thời trang nước Ý cũng bắt đầu sử dụng logo tam giác ngược không có chữ hay hoạ tiết trên một số sản phẩm của mình. Chính sự đơn giản của logo lại giúp tăng mức độ nhận diện của Prada.
Lựa chọn đại sứ là việc làm cần thiết đối với các thương hiệu để giúp tạo sự kết nối với đông đảo công chúng. Một số gương mặt đại diện cho Prada bao gồm Jaehyun (NCT), diễn viên Kim Taeri, Irene (Red Velvet), Park Chanyeol (EXO), Trịnh Sảng,...
>>> Xem thêm: Prada sẽ phải xử lý hợp đồng với Chanyeol, Irene ra sao?
Bên cạnh các dòng thiết kế thời trang nam nữ, thương hiệu Prada còn cung cấp những dòng sản phẩm khác như giày dép, túi xách, phụ kiện, trang sức…
Tại Việt Nam, hiện tại Prada có duy nhất 01 cửa hàng chính hãng tại địa chỉ số 63 Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bình luận