Chảo nói riêng và các dụng cụ nấu nướng bằng gốm nói chung được sử dụng phổ biến vì bề mặt chống dính của chúng. Tuy nhiên, tên gọi chảo gốm rất dễ gây hiểu lầm vì thực chất toàn bộ chảo không làm hoàn toàn bằng gốm mà chỉ được phủ một lớp lên để hoàn thiện bề mặt. Lớp phủ bằng gốm có thể được áp dụng cho chất liệu gang, nhôm, đồng hoặc thép không gỉ,...
Mặc dù lớp chống dính nghe có vẻ dễ bảo quản nhưng thực chất nó vẫn sẽ bị ố vàng nếu thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao và bị cháy. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, chỉ với một số mẹo nhỏ dưới đây, bạn có thể vệ sinh và sử dụng chảo gốm bền đẹp trong nhiều năm.
Làm thế nào để làm sạch chảo gốm?
Chảo (và dụng cụ nấu nướng khác) bằng gốm sứ mới mua về nên được rửa bằng nước xà phòng ấm, tráng kỹ và lau khô bằng khăn mềm. Điều này sẽ loại bỏ bụi bẩn bám trên bề mặt trong quá trình sản xuất và vận chuyển.
Trong quá trình nấu nướng, dĩ nhiên chảo cần được rửa sạch sau mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên bạn cũng cần có những bước vệ sinh định kỳ để xem chảo có bị đổi màu hay không, đồng thời làm sạch sâu để loại bỏ vết bẩn mà mắt thường khó nhìn thấy.
Bạn cần chuẩn bị:
- Nước ấm
- Nước rửa bát
- Baking soda
- Hydrogen peroxide (Oxy già)
- Miếng bọt biển rửa bát
- Khăn lau bát đĩa mềm
Các bước vệ sinh:
Bước 1: Để chảo gốm nguội. Lớp phủ gốm sẽ phản ứng với sự thay đổi nhanh chóng và mạnh của nhiệt độ, vì thế luôn để dụng cụ nấu nướng bằng gốm nguội hoàn toàn trước khi rửa.
Bước 2: Đổ đầy nước ấm và hòa nước rửa bát vào bồn rửa.
Bước 3: Nhúng ngập chảo gốm vào bồn rửa, sau đó dùng một miếng bọt biển vệ sinh kỹ lưỡng bề mặt. Lưu ý không dùng miếng kim loại (cước nhôm) để chà lên bề mặt chảo hay dùng chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao. Chúng sẽ gây ra các vết xước nhỏ, làm hỏng bề mặt và giảm chất lượng của lớp chống dính.
Bước 4: Rửa sạch chảo bằng nước ấm, lau khô bằng khăn mềm hoặc để ráo trên giá đựng bát đĩa.
Loại bỏ thức ăn bám dính trên chảo bằng Baking soda
Nếu thức ăn bị cháy và dính vào bề mặt chảo gốm, hãy ngâm chảo trong nước xà phòng ít nhất 30 phút. Nhúng miếng bọt biển (đã làm ẩm) và bột baking soda khô rồi dùng nó để chà sạch những mẩu thức ăn còn sót lại. Rửa sạch và lau khô lần nữa.
Nếu thức ăn vẫn bám “cứng đầu”, hãy rắc baking soda vào đáy chảo và thêm 1-2 muỗng canh nước nóng. Để yên hỗn hợp này trong 30 phút rồi cùng miếng bọt biển chà sạch theo chuyển động vòng tròn trong vài phút, sau đó rửa sạch và lau khô.
Loại bỏ sự đổi màu của chảo gốm bằng Hydrogen peroxide (Oxy già)
Sau một thời gian dài sử dụng hay vài lần thực phẩm bị cháy thì lớp phủ trên chảo gốm sẽ rất dễ bị đổi màu. Để giúp lớp phủ này sáng bóng hơn, hãy đổ Hydrogen peroxide 3% (nồng độ thấp) kín đáy chảo. Để có hiệu quả, Hydrogen peroxide phải có hiện tượng sủi bọt, nếu không bạn cần ra tiệm thuốc và mua lại một chai mới.
Để dung dịch này trong chảo khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch và lau khô. Công dụng tẩy nhẹ của Hydrogen peroxide 3% sẽ giúp cho lớp phủ trên bề mặt chảo gốm sáng và bóng hơn.
Mẹo giữ cho dụng cụ nấu nướng bằng gốm bền đẹp:
- Luôn vệ sinh bằng tay, không sử dụng máy rửa bát vì có thể làm hỏng lớp chống dính.
- Không bao giờ sử dụng miếng kim loại (cước nhôm) để chà xát, không dùng chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, luôn để chảo đang nóng nguội tự nhiên trước khi rửa.
- Trong quá trình nấu nướng, không sử dụng các dụng cụ kim loại dễ gây xước bề mặt, thay bằng thìa gỗ, đũa gỗ hoặc silicone chịu nhiệt tốt.
- Tránh sử dụng bất cứ thứ gì có tính axit để làm sạch đồ gốm như chanh, giấm,...
- Không sử dụng nhiệt độ quá cao khi nấu, chỉ nên chọn nhiệt độ từ thấp đến trung bình.
- Không xếp chồng các dụng cụ nấu ăn bằng gốm lên nhau mà không có miếng lót ở giữa. Miếng lót này sẽ tránh được tình trạng trầy xước ở cả bên trong và ngoài dụng cụ.
Bình luận