Nước Pháp là cái nôi thời trang của thế giới, là kinh đô ánh sáng, là thủ phủ của cái đẹp. Nền công nghiệp làm đẹp đã khởi nguồn tại nước Pháp từ 170 năm trước nhưng tuần lễ thời trang xa hoa mà chúng ta biết ngày nay mới chỉ ra đời vào những năm 70s của thế kỉ 20 và hoạt động thường niên 2 lần/năm.
Paris Fashion Week là cái nôi tạo nên những nhà thiết kế vĩ đại nhất của ngành thời trang. Cùng tìm hiểu những cột mốc lịch sử của tuần lễ thời trang lâu đời nhất thế giới này.
Bạn có biết ban đầu những buổi trình diễn thời trang được tổ chức như một cuộc trao đổi thương mại giữa khách hàng các các nhà thiết kế. Trang phục được diện lên các ma-nơ-canh, tuy nhiên, phương thức này bộc lộ nhiều nhược điểm khi khách hàng không thể nhìn thấy những chuyển động của trang phục trên cơ thể mẫu .
Sau này, cha đẻ của thời trang cao cấp, Charles Frederick Worth đã đưa ra ý tưởng sử dụng người thật để trình diễn thời trang và đó là lúc nghề người mẫu ra đời.
Không phải cứ muốn thì một thương hiệu sẽ được trao cho chứng chỉ nhà mốt cao cấp. Một nhà mốt phải trình bày một bộ sưu tập với ít nhất 35 bộ trang phục (gồm cả trang phục ban ngày và buổi tối). Một năm 2 lần phải tổ chức show diễn thời trang. Đáp ứng đủ những yêu cầu cơ bản này thì Chambre Syndicale de la Haute Couture sẽ cân nhắc để xem xét thương hiệu đó để tham gia vào hệ thống Haute Couture.
Tuần lễ thời trang đầu tiên được diễn ra vào 28/11/1973 tại cung điện Versailles nhằm gây quỹ hỗ trợ cải tạo dinh thự hoàng gia.
Tuần lễ thời trang đầu tiên đã khơi nguồn cho một cuộc cạnh tranh lớn giữa hai đế chế thời trang: Nước Mỹ và nước Pháp. Những nhà thiết kế người Mỹ như Anne Klein, Bill Blass, Oscar de la Renta đã có một cuộc đối đầu trực diện với 5 nhà thiết kế người Pháp – Marc Bohan của Dior, Emanuel Ungaro, Hubert de Givenchu, Pirerre Cardin và Yves Saint Laurent. Tuy không công khai, nhưng cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa họ đã khiến công chúng liên tưởng và đặt cho cái tên "Trận chiến Versailles".
Kết quả, "trận chiến" này đã đã thu hút được 700 người tham gia, gồm toàn những cái tên nổi tiếng như Josephine Baker, Elizabeth Taylor, Liza Minelli.
Trận chiến Versailles cũng đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên 11 người da màu xuất hiện trên sàn diễn thời trang nước Pháp. Đây là cột mộc lịch sử xóa bỏ dần định kiến chủng tộc trong làng thời trang thế giới.
Năm 1984, Thierry Mugler đã mang thời trang cao cấp tới gần hơn với công chúng đương đại. Để kỷ niệm 10 năm thành lập, Mugler đã dàn dựng một buổi trình diễn hoành tráng cho BST Thu/Đông 1984 của mình tại sân vận động le Zénith trước sự chứng kiến của 6000 khán giả.
Nhắc đến Chanel là nhắc tới cố giám đốc sáng tạo Lagerfield. Ông là người thay máu cho thương hiệu nước Pháp tưởng chừng như sắp đến bờ diệt vong. Một năm 2 lần, ông làm giới thời trang phải sửng sốt vì sự đột phá trong cách thức tạo nên những sàn runway táo bạo.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của “quái nhân tóc bạc” phải kể đến sàn diễn Chanel Thu/Đông 2014, khi nhà mốt đã tạo ra một siêu thị cao cấp với xe đẩy hàng và quầy hoa quả, nơi các cô người mẫu sải bước tự tin mua đồ.
Chi phí để thuê một địa điểm tổ chức tốt có thể nâng tầm thương hiệu tốt hơn bất kỳ chiến dịch Marketing nào. Những địa điểm quen thuộc thường được các nhà mốt lựa chọn là Le Grand Palais (Chanel), Le Musée Rodin (Dior), Louvre (Louis Vuitton), Tháp Eiffel (Saint Laurent).
Vào đầu năm 1900, nhà thiết kế người Pháp Paul Poiret đã trở thành người đầu tiên tổ chức party sau khi hoàn thành BST của mình. Sau này, các thương hiệu cũng tiếp nối phương thức truyền thông này để mời những người nổi tiếng, BTV quyền lực, đối tác kinh doanh,… nhằm tăng sức ảnh hưởng trên bản đồ thời trang thế giới.
Bình luận