Những năm gần đây, đặc biệt là sau khi cả thế giới phải cách ly xã hội vì đại dịch, thì thời trang là một trong những ngành công nghiệp phải hứng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Những bộ sưu tập thời trang, những show diễn hoành tráng đều bị cắt bỏ để ưu tiên cho sự an toàn.
Trong "cái khó ló cái khôn", nhiều thương hiệu bắt đầu tìm cách để đưa quần áo của mình tiếp cận đến khách hàng thông qua nhiều con đường khác. Lúc này, các BST online, các buổi trình diễn phát trực tiếp trên livestream và đặc biệt là sự ra đời của những món đồ thời trang được xử lý bằng công nghệ AR, mang đến trải nghiệm ảo... được nhiều thương hiệu đẩy mạnh.
Dù ở thời điểm hiện tại, phần đa thế giới đã quay trở lại "bình thường mới" nhưng hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào thời trang là không thể phủ nhận. Tiềm năng phát triển của hướng đi này ngày càng trở nên xán lạn sau khi hàng loạt những thiết kế ra đời cộp mác "đồ ảo" nhưng vẫn được bán với giá cao.
Nắm bắt được xu thế thời đại mới, tạp chí GQ Trung Quốc cho ra mắt bộ ảnh lấy cảm hứng từ vũ trụ ảo Mateverse với những thiết kế được lập trình hoàn toàn bằng máy tính.
Nhằm mang đến những trải nghiệm vừa thực vừa ảo cho người xem, bộ ảnh đã kết hợp giữa sự sống động của người mẫu thật và quần áo ảo. Những thiết kế đều mang màu sắc vị lai, không hoàn toàn là một chất liệu phổ biến, cụ thể nào. Từ hoạ tiết, màu sắc đến kiểu dáng đều khó có thể tạo ra trên thực tế.
Thay vì phải dành rất nhiều thời gian, công sức vào để may nên những trang phục cồng kềnh theo chủ nghĩa vị lai, những nhà sáng tạo tiết kiệm tài nguyên bằng cách tạo ra chúng trên máy tính. Công bằng mà nói, nếu chỉ để phục vụ lên bìa tạp chí và quay MV, thì những bộ quần áo từ vũ trụ ảo Mateverse là quá đủ. Việc sử dụng công nghệ từ vũ trụ ảo để tạo nên quần áo sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và đặc biệt là không tạo ra nguồn rác thải khổng lồ từ chúng.
Bình luận