Nếu nhắc đến thời trang người ta nghĩ ngay đến những chức danh phổ biến như người mẫu, nhà thiết kế nhưng để tạo nên một ngành công nghiệp sôi nổi như ngày hôm nay còn cần đến sự đóng góp của nhiều vị trí quan trọng khác nữa.
Chỉ là người mẫu nói chung nhưng có vô số vai trò khác nhau. Đây là một số vai trò mà có thể thời gian qua nhiều người còn lẫn lộn.
Người mẫu là vị trí phổ biến khi nhắc đến thời trang. Đối với các nhãn hàng, người mẫu chính là cầu nối giúp những thiết kế của họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng. Sự phát triển của ngành thời trang làm nghề người mẫu trở nên đa dạng hơn. Họ không chỉ được biết đến với hình ảnh sải bước trên sàn diễn (Runway Models) mà còn có thêm nhiều tuyến người mẫu đảm nhận những vai trò quảng bá khác nhau. Hiện nay, có thể chia người mẫu thành 3 vị trí chính.
Runway Models (người mẫu trình diễn)
Là kiểu người mẫu phải đạt những tiêu chuẩn cao nhất về mặt hình thể, vóc dáng và khuôn mặt. Vì là người mẫu trình diễn nên chắc chắn họ phải là người có kĩ thuật catwalk tốt lẫn thần thái thu hút trong những show thời trang trực tiếp.
Editorial Models (người mẫu chụp hình tạp chí)
Người mẫu chụp hình tạp chí thường được chọn vì sở hữu tinh thần phù hợp với concept, có khi lại là một người đang có tầm ảnh hưởng với công chúng. Vì vậy kiểu người mẫu này sẽ không chịu quá nhiều xét nét về mặt ngoại hình, đã vậy còn nhận được sự trợ giúp của góc chụp và photoshop. Thay vào đó Editorial Models phải là người biết tạo dáng trước ống kính, khả năng biểu cảm gương mặt đa dạng. Lúc này ánh mắt hay đôi môi chính là vũ khí tốt nhất chứ không còn là đôi chân dài hay hình thể chuẩn mẫu.
Commercial Models (Người mẫu thương mại)
Đối với người mẫu thương mại thì không phải ngoại hình mà chính khả năng tạo ra kinh tế cho nhãn hàng bạn đại diện sẽ giúp bạn được săn đón. Commercial Models cũng được chia theo nhiều vùng cấp như Global Face (mang tầm ảnh hưởng toàn cầu), The Face for region (cho một khu vực, lãnh thổ) và lookbook campaign models (những chiến dịch cá nhân).
The Face là một dạng nhỉnh hơn so với Commercial Models. Những người tham gia các chiến dịch có quy mô toàn cầu được gọi với chức danh Global Face. The Face thường là cách gọi những người nổi tiếng (celebrities) hoạt động trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì người mẫu. Đây là một cách gọi trân trọng dành cho những người đại diện là người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng.
Đối với các người mẫu, những hợp đồng trở thành The Face của một thương hiệu luôn "béo bở" và trở thành mục tiêu phấn đầu của họ trong suốt quá trình làm nghề. Thời hạn của một hợp đồng làm gương mặt đại diện thường kéo dài 2-12 tháng hoặc kết thúc một chiến dịch quảng bá cho một BST. Gương mặt người mẫu The Face thường được chính những người có quyền hành cao nhất của công ty lựa chọn vì là bộ mặt của nhãn hàng.
The Endorser lại là một chức danh cao cấp hơn The Face khi không chỉ có tầm ảnh hưởng và làm đại diện hình ảnh cho thương hiệu. Người bão lãnh thương hiệu còn lấy danh tiếng để bảo đảm cho doanh số thương hiệu. Cách để phân biệt giữa một The Face và The Endorser chính là nguồn thu mà họ được nhận theo hợp đồng kí kết. The Face thường sẽ được nhãn hàng trả tiền để mua đứt hình ảnh, nghĩa là bạn sẽ nhận một số tiền để thực hiện một chiến dịch. Trong khi đó ngoài số tiền nhận được để trở thành người đại diện, The Endorser còn sẽ nhận thêm một phần lợi nhuận trên doanh số bán ra (tạm gọi là hoa hồng).
Hình ảnh bảo lãnh thương hiệu của các Endorser thường xuất hiện dưới dạng kết hợp (collaboration) như Fendi x Team Wang, Nike x G-Dragon,... và hình ảnh của họ thường được in hẳn lên các bao bì sản phẩm như một phiên bản đặc biệt để công ty dễ tính số lượng bán ra và chia hoa hồng.
Hơn cả The Face và The Endorser, đại sứ của một hương hiệu còn là hình tượng, một phong cách sống trường tồn với thời gian, gắn liền với những sản phẩm hoặc tinh thần thời trang của nhãn hàng. The Ambassador còn còn là người luôn gắn liền hình ảnh và trở thành một phần của thương hiệu. Một đại sứ thì không được quyền dùng bất cứ một món hàng của đối thủ, thậm chí dù chỉ chạm vào. Họ chỉ được phép một lòng với thương hiệu mình gắn bó. Việc này có thể hiểu như bạn sẽ bán hình tượng của mình cho nhãn hàng.
Nếu như The Face dùng hình ảnh cá nhân để tạo sức ảnh hưởng thì The Ambassador có khi phải uốn nắn, thay đổi, cải tạo bản thân để trở nên phù hợp với định hướng của nhãn hàng. Mỗi đại sứ chỉ được chọn kết hợp với một nhãn hàng cùng phân cấp. Một người có thể trở thành đại sứ của nhiều thương hiệu, miễn họ không phải là những đối thủ trực tiếp của nhau.
Người đại diện (The Representative) là những cá nhân dù đúng dù sai cũng phải luôn luôn đứng về phía nhãn hàng/thương hiệu. Người đại diện có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho nhãn hàng bởi họ được thuê, được ủy quyền, được trao tư cách pháp nhân để đảm bảo quyền và lợi ích kinh tế lớn nhất cho nhãn hàng/thương hiệu.
Người đại diện (Representative) lại được chia nhỏ thành những hạng mục như : Đại diện kinh doanh (Business Representative), đại diện bán hàng (Sales Represtative), đại diện pháp luật (Legal Representative), đại diện hỗ trợ khách hàng (Customer Service Representative),...
Tuy không được biết đến rộng rãi như những chức danh khác nhưng người đại diện là nhân tố vô cùng quan trọng trong nội bộ các nhãn hàng. Họ là người chịu trách nhiệm trực tiếp thay nhãn hàng trước pháp luật, trước đối tác, khách hàng.
Trước đây, công việc Spokenperson chỉ dành cho nhân sự nội bộ/bộ phận truyền thông, giải quyết sự cố của các nhãn hàng. Nhưng giờ đây nó đã được trao cho một số celebrities không chỉ xinh đẹp, mang tầm ảnh hưởng lớn mà còn phải ứng xử khéo, đồng nghĩa với chỉ số EQ cao.
Đối với các nhãn hàng, phát ngôn viên là những người thay mặt hãng trả lời các đơn vị truyền thông và báo chí trong các cuộc gặp gỡ công khai cũng như họp báo. Họ là người chủ trì triển khai các hoạt động thông tin, truyền đi những quan điểm, lập trường chính và chủ chốt của thương hiệu.
Bình luận