Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột ra đi vì đột quỵ khiến đông đảo công chúng hâm mộ ông tiếc nuối, xót thương. Điều trùng hợp là, trên trang cá nhân của cố nghệ sĩ Chí Tài dành cho người hâm mộ vẫn còn lưu giữ chương trình mới nhất ông thực hiện cách đây 3 ngày với tựa đề: “Đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt” để kiểm tra nguy cơ đột quỵ”.
Động tác này xuất phát từ nghiên cứu của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản): nếu trong vòng 1 phút, một người đứng thăng bằng không quá 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ cao. Thử nghiệm trên 1.387 người có độ tuổi trung bình là 67 tuổi cho thấy có đến 95,8% không đứng được quá 20 giây khi giữ thăng bằng 1 phút. Điều đáng ngại là khi nghệ sĩ Chí Tài thực hiện động tác này, ông chỉ giữ thăng bằng được 5-7 giây.
Nghệ sĩ Chí Tài đã thể hiện sự lạc quan và gửi tới khán giả cũng như bạn bè đồng nghiệp của mình “Món ăn bí mật” giúp phòng ngừa căn bệnh này. Chí Tài cũng cho thấy sự quan tâm tới sức khỏe bản thân và có sự tìm hiểu về nguy cơ đột quỵ.
Động tác “Đứng một chân” hay “Kim kê độc lập” có tác dụng gì?
“Đứng một chân” hay còn gọi là “Kim kê độc lập” (Gà vàng đứng 1 chân) được coi là chiếc thước đo tình trạng sức khỏe. Nghe qua, động tác này có có rất đơn giản nhưng trong Đông Y, Tây Y nó được coi trọng đặc biệt. Bởi phương pháp này có thể điều chỉnh mối quan hệ của lục phủ ngũ tạng trở về trạng thái hài hòa.
Cách thực hiện động tác “Kim kê độc lập”:
Bạn đứng thăng bằng, thoải mái, thả lỏng cơ thể, sau đó dùng một chân làm trụ, chân còn lại từ từ nâng cao (không cần nhắm mắt). Sau đó, bạn áp lòng bàn chân đang co lên vào mặt trong của chân còn lại, càng lên cao càng tốt. Hai bàn tay dùng để giữ thăng bằng, một chân đứng vững trên mặt đất và lúc này bạn mới từ từ nhắm mắt lại - đây là điều kiện bắt buộc bởi chỉ khi nhắm mắt cơ thể chúng ta ở trong tình huống không bị phụ thuộc vào bất kỳ tác động nào từ xung quanh.
Để đạt được hiệu quả dưỡng sinh, bạn hãy duy trì động tác này trong thời gian lâu nhất có thể.
Bài kiểm tra kết thúc ngay khi bạn di chuyển bàn chân trụ hoặc khi bạn phải đặt chân kia xuống sàn nhà để khỏi té ngã.
Kết quả để bạn đối chiếu và tìm hiểu sức khỏe của mình:
Đối với Nam giới:
Từ 30- 39 tuổi: Đứng bằng 1 chân trong 9 giây
Từ 40- 49 tuổi: Đứng 1 chân trong vòng 8 giây
Từ 50- 59 tuổi: Đứng bằng một chân trong 7 giây
Từ 60 đến 69 tuổi: Đứng bằng một chân trong 5 giây.
Đối với nữ giới:
Từ 40 đến 49 tuổi: Đứng bằng một chân trong 9 giây.
Từ 50 đến 59 tuổi: Đứng bằng một chân trong 8 giây.
Từ 60 đến 69 tuổi: Đứng bằng một chân trong 7 giây.
Từ 70 đến 79 tuổi: Đứng bằng một chân trong 5 giây.
Trong cuốn sách về dưỡng sinh vô cùng nổi tiếng "Cầu y bất như cầu kỷ" (Nhờ cậy vào bác sĩ không bằng nhờ cậy chính mình), động tác "Kim kê độc lập" là động tác dưỡng sinh mang lại những hiệu quả đáng kinh ngạc.
Các chuyên gia Đông Y cho biết: chân khỏe người mới khỏe, nếu chân không đứng vững thì cơ thể không khỏe mạnh, do đó bài tập chân chính là cách giúp cho cơ thể thăng bằng, lục phủ ngũ tạng khỏe mạnh như: Ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm khả năng mắc bệnh đãng trí khi về già; tăng cường khả năng tuần hoàn máu, điều chỉnh thần kinh phòng đột quỵ; Giúp xương chắc khỏe, phòng đau thắt lưng, thoái hóa đốt sống cổ và đặc biệt làm tốt cho bộ não...
Bình luận