Nội dung chính
Vậy là năm 2021 đang dần khép lại, người dân trên toàn thế giới đang chào đón một năm mới sắp đến. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có những phong tục đón năm mới khác nhau để tạm biệt năm cũ, đón xuân đang về. Dưới đây là 20+ phong tục độc đáo và kỳ lạ nhất được cho là đem lại may mắn, bình an ở một số nước trên thế giới.
Trong dịp Tết Dương lịch, người Anh thường mua rượu đổ đầy các chai, lọ đựng trong nhà và trong bếp thì chứa thật nhiều các loại thịt khác nhau. Ngoài ra, mọi người cũng tranh nhau đi lấy nước. Theo đó, người múc được gáo nước đầu tiên trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ là người may mắn suốt năm.
Bên cạnh đó, cũng giống như một số nước châu Á, người Anh cũng có tập tục xông đất. Người xông đất sẽ mang kèm món quà như: bánh mì, tiền, than đá... nhằm chúc gia chủ đầy đủ, sung túc. Dù vậy thì họ cũng kiêng kỵ phụ nữ, hoặc những người có tóc vàng, tóc đỏ đến xông đất do quan niệm rằng những người này sẽ đem đến sự xui xẻo.
Ở Pê-ru, màu vàng được xem là màu của may mắn và thịnh vượng. Do đó, trong những ngày đầu năm, mọi người thường mặc những trang phục có màu vàng để cầu mong may mắn, sung túc, an lành cho năm mới. Ngoài ra, trong các hội chợ đầu năm, những pháp sư Pê-ru cũng thực hiện các nghi lễ tắm hoa vàng với mục đích chúc phúc, cầu may cho người dân.
Theo truyền thống, những người Philippines sẽ ăn những loại quả có hình tròn như: trái nho, trái táo... để mong cầu sự tròn đầy, thịnh vượng trong năm mới. Thậm chí, có những gia đình chỉ ăn đúng 12 quả có hình tròn, tương ứng với 12 tháng trong năm với mong muốn sự thành công sẽ đến với họ. Đặc biệt, trong dịp Tết, nhiều người cũng mặc những bộ quần áo có chấm bi để mong sự may mắn.
Trong những phong tục đón năm mới thì phong tục ném đồ đạc cũ qua cửa sổ của Italy cũng rất được chú ý. Điều này thể hiện cho việc tạm biệt những cái cũ và sẵn sàng đón chào sự đổi mới trong năm mới. Tuy nhiên, đa phần người dân Italy sẽ không ném những vật nguy hiểm hoặc cồng kềnh như: lò nướng, tủ lạnh..., ngoại trừ thành phố Naples.
Vào ngày 31/12, người dân Mỹ sẽ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Time Square) để đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi giây cuối cùng của năm cũ vừa qua cũng là lúc họ hạ quả cầu pha lê và bắn pháo hoa giấy. Trong khi đó, ở các bang miền Nam nước Mỹ, mọi người sẽ ăn củ cải, đậu mắt đen. Cụ thể, mỗi củ cải sẽ tương ứng với việc kiếm được 1.000 đô la còn mỗi hạt đậu mắt đen sẽ kiếm được 100 cent.
Thật vậy, ở Scotland, người xông đất đầu năm sẽ được chọn theo ngoại hình và màu tóc. Theo đó, nam giới càng cao to, đẹp trai và màu tóc càng sẫm càng được chào đón. Lý do bởi vào thời Viking, khi những người Viking với đặc trưng là màu tóc vàng tới Scotland để cướp phá, buôn bán, người Scotland đã rất e ngại những người đàn ông tóc vàng đến trước nhà mình.
Ngoài yếu tố đẹp trai, tóc sẫm màu thì người đàn ông đến xông đất còn nên mang theo quà đầu năm cho gia chủ như một đồng xu, bánh mì, muối, chai rượu vang, một mẩu than. Nếu thiếu quà, dù đẹp trai và tóc sẫm thế nào vẫn sẽ bị tính là kém may mắn.
Trong những ngày đầu năm, những cô gái chưa lập gia đình ở Belarus sẽ xếp thành hàng ngang. Phía dưới chân mỗi cô gái đều được đặt một nắm hạt ngô. Sau đó, người ta sẽ thả gà trống ra. Nếu nó đi về phía ai thì người đó có thể kết hôn trong năm tới.
Ở Cộng hóa Séc, trong ngày Giáng sinh hoặc đêm giao thừa, mọi người sẽ ngồi quây quần và thưởng thức bữa ăn cùng nhau. Đặc biệt, trên bàn ăn sẽ đặt một quả táo được cắt làm đôi. Nếu lõi quả táo có hình ngôi sao thì những người có mặt hôm đó sẽ có một năm gặp nhiều may mắn, an lành, sức khỏe dồi dào. Tuy nhiên, nếu lõi quả táo có hình cây thánh giá đan chéo thì sẽ có người không được khỏe mạnh trong năm tới.
Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng đây là phong tục đón năm mới của người dân Chile và được lưu truyền cho tới ngày nay. Trong ngày đầu năm, toàn bộ thành viên trong gia đình sẽ tụ tập ở nghĩa trang, chơi nhạc cổ điển để nhớ về những người đã khuất. Họ tin rằng, những người thân ở thế giới bên kia cũng đang chờ đợi năm mới để về chung vui cùng gia đình.
Ở Đan Mạch, việc nhảy khỏi ghế vào đúng 12 giờ đêm giao thừa được cho là hành động xua đuổi tà ma và đem lại may mắn. Vì vậy, nhiều du khách khi đón năm mới cùng người Đan Mạch đều "mắt tròn mắt dẹt" khi thấy người người, nhà nhà đều leo lên ghế và nhảy xuống trong thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới.
Chắc chẳng ở đâu mê du lịch như người dân Costa Rica, đến nỗi họ có phong tục đón năm mới là kéo vali chạy quanh khu nhà với hy vọng sẽ được đi du lịch thật nhiều trong năm tới. Theo họ, kéo vali chạy càng xa thì sẽ càng có cơ hội đi du lịch ở những nơi xa hơn.
Đây là phong tục đón năm mới dành cho những người độc thân ở Ireland. Theo đó, những người còn độc thân sẽ đặt nhánh cây tầm gửi, cây nhựa ruồi hoặc cây thường xuân dưới gối của mình. Sau đó, trong đêm giao thừa sẽ ước nguyện về chuyện tình cảm, sớm gặp được người bạn đời của mình.
Ở Hy Lạp, hành tây tượng trưng cho sự tái sinh. Do đó, họ có thói quen sẽ treo những củ hành tây vào ngày cuối năm để cầu mong một năm mới thịnh vượng, sung túc. Ngoài ra, người dân Hy Lạp cũng thưởng thức những chiếc bánh có giấu đồng xu bên trong và người ăn trúng chiếc bánh đó sẽ gặp may mắn cả năm.
Tương tự như nhiều quốc gia châu Á khác, Hungary cũng có nhiều phong tục đón năm mới thú vị như: không giặt quần áo, làm ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ... Bên cạnh đó, người xông nhà trong dịp Tết là nam giới, điều này được xem là sẽ đem lại may mắn cho gia đình đó.
Ở Ecuador và một số khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, người dân thường đốt hình nộm, hoặc hình ảnh cũ, gợi nhớ lại những ký ức tồi tệ. Theo đó, hành động này nhằm loại bỏ những điều không may, tồi tệ trong năm cũ và đón chờ những điều tốt đẹp trong năm mới.
Với người Việt, việc đổ vỡ đầu năm bị xem là điều kém may mắn do đó ngày năm mới, mọi gia đình đều hết sức cẩn trọng để có năm mới hanh thông. Ngoài ra, theo lệ xưa đầu năm nhiều gia đình cũng kiêng quét nhà vì cho rằng sẽ quét luôn tài lộc ra ngoài.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người Nga sẽ viết mong muốn của mình vào một tờ giấy. Sau đó họ sẽ châm lửa đốt tờ giấy này. Cuối cùng, khi giấy cháy hết thì sẽ rắc phần tro "có chứa điều ước" vào một ly Sâm-panh và uống hết sau khi chuyển sang thời khắc năm mới.
Phong tục đón năm mới của người dân Nam Mỹ khá kỳ lạ - đó chính là mặc đồ lót nhiều màu sắc trong dịp năm mới, nhất là những màu sắc sặc sỡ. Theo đó, nếu bạn muốn tìm kiếm tình yêu, hãy mặc đồ lót màu đỏ. Nếu mong muốn trở nên sung túc, giàu có thì hãy mặc màu vàng. Còn nếu chỉ tìm kiếm sự bình yên thì nên mặc đồ lót màu trắng.
Ở Nhật Bản, bạn sẽ nghe tiếng chuông vang vọng khắp các con phố trong đêm giao thừa. Người Nhật tin rằng, nếu rung chuông đủ 108 lần sẽ xua đuổi tội lỗi của con người và mang lại may mắn trong năm mới.
Trước thềm năm mới, người Argentina sẽ cắt nhỏ các tài liệu, giấy tờ đã cũ và ném chúng ra ngoài cửa sổ. Hành động này tượng trưng cho việc bỏ lại những điều cũ kỹ, xấu xa trong quá khứ và đón chào những điều mới mẻ hơn.
Phong tục đón năm mới này khá tương đồng với Philippines. Theo đó, người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho,, đặc biệt là nho có hạt. Mỗi tiếng chuông - tương ứng với một tháng trong năm - vang lên thì sẽ ăn một quả, ăn càng nhanh càng tốt. Điều này thể hiện mong ước một năm mới ngọt ngào, suôn sẻ.
Trên đây là những phong tục đón năm mới độc đáo và kỳ lạ nhất, giúp bạn có những góc nhìn thú vị về các nước trên thế giới. Năm cũ sắp qua, năm mới lại đến, chúc bạn có một năm mới bình an, hạnh phúc và thật nhiều điều may mắn!
Bình luận