Thời trang và đặc biệt là thời trang cao cấp không chỉ bao gồm áo quần. Đó còn là nơi để truyền tải quan điểm cá nhân, tình yêu dân tộc. Đây chính là lý do mà Dolce & Gabbana đang sắp chết yểu tại Trung Quốc.
Không ai có thể phủ nhận sự vương giả và tinh tế trong từng thiết kế của Dolce & Gabbana. Mỗi đường kim mũi chỉ trong các bộ đồ của nhà mốt này đều cho thấy đỉnh cao trong nghệ thuật thủ công của các nghệ nhân Ý.
>>> Xem thêm: 5 sự thật về show diễn hoành tráng Alta Moda Venezia 2021 của Dolce & Gabbana
Trong giới thiết kế, Domenico Dolce và Stefano Gabbana được nhận định là những NTK có tài. Tuy nhiên, lắm tài thì nhiều tật, bộ đôi này thường xuyên để “mồm đi chơi xa”. Trong suốt nhiều năm, không ít lần công chúng phải ồ lên với những phát ngôn của "cặp đôi vàng trong làng phát ngôn" này, từ miệt thị giới tính đến khinh thường các dân tộc khác.
Chẳng hạn, Dolce & Gabbana vốn dĩ là một cặp đôi đồng giới nhưng cả hai lại dè bỉu chính cộng đồng của mình. Cặp đôi từng phát biểu rằng những đứa trẻ được sinh ra bởi cặp đôi đồng tính là những “đứa trẻ nhân tạo”. Họ cũng phản đối chuyện nhận con nuôi vì cho rằng đứa trẻ sẽ không thể lớn lên bình thường khi không sống trong “một gia đình tiêu chuẩn”. Phát ngôn kỳ thị cộng đồng này lan truyền đúng vào thời điểm ca sĩ Elton John vừa đón con đầu lòng bằng hình thức thụ tinh nhân tạo. Tất nhiên, Dolce & Gabbana không thể thoát khỏi sự chỉ trích của cả cộng đồng LGBT+.
Tuy nhiên, chuyện đó cũng không quá ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu, cho tới khi Dolce & Gabbana trực tiếp miệt thị người Trung Quốc. Chuyện kể là vào một ngày không nắng cũng chẳng mưa, đội ngũ truyền thông của nhà mốt Ý đã quyết định tung ra một đoạn video quảng cáo. Trong đoạn clip không ngắn không dài, một người mẫu Trung Quốc mặc đồ D&G, ăn mì Ý và Pizza bằng... đũa. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cô gái không có những biểu cảm vô cùng cợt nhả, vừa ăn vừa đánh rơi, vừa ăn vừa cười. Điều này giống như một sự xúc phạm tới nền văn hóa đã tồn tại 3000 năm tại quốc gia tỉ dân.
Tuy nhiên, giữa cơn sóng thần của đất nước Trung Hoa, Stefano Gabbana lại quyết định bùng cháy một lần nữa bằng phát ngôn: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt. Trung Quốc là thứ rác rưởi.” Điều này đã chính thức châm ngòi cho cơn cuồng nộ không thể khống chế của người Trung Quốc.
Tới lúc này, người dân Trung Quốc đã chính thức nổi điên. Người ta đốt, đập phá, tẩy chay, block tất cả những thứ liên quan tới D&G. Những ngôi sao nào đã trót nhận tiền quảng cáo của hãng thì cũng có động thái nhanh chóng hoàn trả lại. Các thiết kế D&G không còn hiên ngang ngự trị trong những phòng để đồ xa hoa mà bị băm vằm, cắt nhỏ rồi giật xả trong bồn cầu. Kể từ đó, người Trung Quốc chính thức hất nhà mốt Ý vào lãnh cung. Hậu quả là 98% thị trường của D&G tại Trung Quốc đã chính thức bị thổi bay.
Kể từ năm 2018 đến nay, không một ngôi sao nào dám hợp tác với Dolce & Gabbana. Ngoại lệ hiếm hoi là ca sĩ Mạc Văn Uý. Chỉ vì trót mặc đồ của hãng trong MV mà nữ ca sĩ bị ném đá, bị cho là phản quốc.
Về quy mô kinh doanh, Dolce & Gabbana giảm từ 58 cửa hàng xuống còn 47 cửa hàng. Hãng không thể bước chân lên các sàn thương mại điện thử lớn như Tmall hay JD.Com. Một chuyên gia tại Trung Quốc cho biết: ”Kinh doanh ở Trung Quốc mà không kinh doanh được ở Tmall thì bạn đã thua rồi!”.
Cần nhớ, Trung Quốc không phải đất nước có thói quen ngại ngần tẩy chay các thương hiệu ngoại lai. Mới đây, H&M và Nike đã bị đất nước này “dìm” cho không ngóc đầu lên nổi. Dù vậy, hai thương hiệu kia vẫn chưa sỉ nhục văn hóa đến cùng cực như D&G nên họ vẫn tìm được đường quay trở lại.
Tuy nhiên, với D&G có lẽ con đường đó còn xa lắm. Bởi lẽ, mấy ai bước vào lãnh cung mà còn có thể nhìn thấy ánh mặt trời?
Bình luận