Phú Quang được biết đến là một nhạc sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Các sáng tác của ông chủ yếu thiên về những bản tình ca trữ tình, đặc biệt là về Hà Nội và mùa thu như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu, Im lặng đêm Hà Nội... Ông cũng nổi tiếng với việc phổ thơ thành những tình khúc phổ biến hơn bản gốc. Sáng ngày 8/12, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm nằm viện cấp cứu do căn bệnh tiểu đường biến chứng.
>> Xem thêm: Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72
Nhạc sĩ Phú Quang có tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh ngày 13/10/1949.
Nhạc sĩ Phú Quang mất ngày 8/12/2021 (Hưởng thọ 72)
Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang từng theo học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.
Nghề nghiệp của nhạc sĩ Phú Quang là nhạc sĩ, nhạc công, giám đốc âm nhạc, kinh doanh.
Năm lên 5 tuổi, Phú Quang theo gia đình về Hà Nội. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản ballad "Niềm tin" viết cho violoncelle và piano vào năm 1967. Từ đó về sau, Phú Quang bắt đầu công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Lên 21 tuổi, Phú Quang lần đầu được vinh dự chủ trì Dàn nhạc mùa thu thuộc biên chế của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời điểm đó, đây là vị trí mà ai cũng khao khát có được khi nhạc công sẽ được trả 40 đồng, tương đương một tháng lương cho người vừa tốt nghiệp đại học. Ngoài Nhà hát, Phú Quang cũng nhận rất nhiều việc bên ngoài để mưu sinh.
Năm 1978, ông theo học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1982, Phú Quang trở về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986, nam nhạc sĩ chuyển vào TP.HCM công tác tại Phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh và hoạt động được 8 năm thì chuyển về Nhà hát Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh. Tới năm 2004, Phú Quang thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang.
Trong cuộc đời sáng tác của Phú Quang, ông nổi tiếng với những bản tình ca, đặc biệt là những ca khúc trữ tình viết về Hà Nội và những ca khúc phổ thơ về Hà Nội và mùa thu. Những ca khúc của ông có tầm phổ biến cao, qua nhiều thập niên vẫn là những bản nhạc được nhiều người thuộc nhiều thế hệ yêu thích. Một vài trong số đó là: Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm, Điều giản dị, Đâu phải bởi mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông, Hà Nội ngày trở về...
Đặc điểm chung của những bản tình ca của Phú Quang đều là tình ca buồn với giai điệu da diết. Một phần vì đời sống của ông vốn gắn liền với nhiều nỗi buồn, đa phần liên quan đến tình yêu. Những tình khúc buồn của Phú Quang được ví như những tách cà phê có vị đắng, những ly rượu cay, nhưng chính vì đắng cay này lại an ủi cho trái tim đa cảm của người nghệ sĩ Hà thành.
"Tôi không có cái hạnh phúc đó, đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính" , Phú Quang tâm sự
Mỗi dịp cuối thu đầu đông, ông đều đặn tổ chức 2, 3 đêm nhạc ở Hà Nội. Nhạc sĩ tự chăm chút từ khâu nhỏ đến lớn - lên kịch bản, phối khí ca khúc, tập cùng ban nhạc, thiết kế poster, định giá vé... Ông cũng thường đệm đàn cho các ca sĩ hát trong live show của mình và thường đảm nhận luôn vai trò MC - Người kể chuyện. Các show diễn của ông thường cháy vé. Khán giả ngoài việc đến nghe nhạc Phú Quang còn thích được nghe ông trò chuyện.
Đến nay, Phú Quang đã sở hữu gia tài hơn 600 tác phẩm gồm cả ca khúc, tác phẩm giao hưởng, nhạc không lời, nhạc phim, nhạc múa, nhạc kịch…
Vài năm trở lại đây, dù sức khỏe và trí nhớ của Phú Quang đã yếu hơn trước nhưng nhạc sĩ vẫn miệt mài làm việc, vẫn tổ chức live show đều đặn. Tháng 10/2020, Phú Quang được vinh dự được trao Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang nằm viện chữa trị bệnh. Ông là người trẻ nhất giành giải thưởng này. 5 ca khúc được vinh danh gồm: Em ơi Hà Nội phố, Điều giản dị, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, khí nhạc Solo Fute et orchestre Tình yêu của biển. Anh trai, vợ và con gái của Phú Quang - ông Nguyễn Phú Ân, bà Trịnh Anh Thư và nghệ sĩ Trinh Hương, đã đến dự lễ trao giải và thay mặt nhạc sĩ Phú Quang nhận giải thưởng.
Nhạc sĩ Phú Quang còn rất nhiều dự án đang ấp ủ. Sau khi cuốn Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện được phát hành vào năm 2016, Phú Quang từng có ý định ra mắt thêm vài cuốn tương tự. Ngoài ra, Phú Quang bỏ ngỏ làm một chương trình nghệ thuật về phố Khâm Thiên thời bom đạn năm 1972 - nơi lưu giữ tuổi thơ của ông, trong đó có cả những ký ức buồn.
"Tôi nhớ như in chuyện ông cắt tóc quen của mình, cô hàng xóm thân thiết... ra đi sau một đêm. Những mảnh tường đổ, tiếng khóc ai oán của những gia đình mất người thân... ám ảnh tâm trí tôi. Tôi mơ ước tái hiện những ký ức bi hùng ấy trong một chương trình với hàng trăm diễn viên. Tuy nhiên, tôi chưa đủ kinh tế để thực hiện", nhạc sĩ bộc bạch
Phú Quang từng trải qua có 3 đời vợ: Nhạc sĩ Kim Chung, NSƯT Hồng Nhung và người vợ hiện tại là Anh Thư - kém ông 20 tuổi, hiện đang làm trong ngành ngân hàng. Với Anh Thư, ông từng viết tặng vợ trẻ một ca khúc mang tên Mùa thu giấu em. Đó cũng gần như là bài hát duy nhất ông dành tặng vợ.
Dù không chia sẻ quá nhiều về cuộc sống riêng tư, nhưng khi nhắc đến vợ con, Phú Quang luôn dành cho họ tấm lòng trìu mến. Ông cũng nhấn mạnh bản thân chưa bao giờ có khái niệm phân biệt con riêng, con chung.
Nhạc sĩ Phú Quang có 3 người con và 1 con riêng của vợ Anh Thư. Con gái đầu lòng của ông là nghệ sĩ, giảng viên piano Trinh Hương. Cô đã kết hôn với nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. 2 người con khác là Giáng Hương và Phú Vương. Cô con gái út - con riêng của Anh Thư, hiện đang du học tại Anh.
Phú Quang từng thú nhận ông từng rung động trước vẻ đẹp của Lê Khanh, và ca khúc "Điều giản dị" của ông ra đời cũng được lấy cảm hứng về nữ nghệ sĩ này. Tuy nhiên, ông cho biết đó không phải thứ tình cảm trai gái mà chính là tình yêu nghệ thuật. Ca khúc trên cũng được lấy cảm hứng từ sự xúc động trước vai diễn của Lê Khanh cùng câu chuyện tình trong bộ phim "Có một tình yêu như thế".
Phú Quang vốn không biết chính xác ngày sinh của mình, sau khi sinh được 3 tháng, mẹ ông mới đi làm "Giấy khai sinh" và chọn ngày 13/10/1949 là ngày sinh chính thức cho ông. Về sau này, Phú quang đã sáng tác ca khúc "Sinh nhật đen" để nói về ngày sinh nhật của chính mình.
Năm 2019, nhạc sĩ Phú Quang nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai do biến chứng từ căn bệnh tiểu đường kéo dài 30 năm nay. Sau đó ông được đặc cách chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Việt Xô. Thời gian ốm đau, Phú Quang được vợ kém 20 tuổi túc trực chăm sóc.
Nhạc sĩ Phú Quang mất vào lúc 8h45 sáng ngày 8/12 tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi. Nhạc sĩ qua đời sau gần 2 năm trị bệnh.
Bình luận