Anh N.T.H năm nay 43 tuổi, sinh sống rại Hà Nội, là một Tiến sĩ Kinh tế, đã phải nhập viện điều trị trong tình trạng hoảng loạn, mắt trợn ngược, hay la hét và bị co giật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh tình của anh H. là do sử dụng điện thoại quá nhiều, nghiện Facebook, YouTube. Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1 (Hà Nội) đã phải điều trị khẩn cấp cho anh. Sau khi tiêm thuốc, tinh thần ổn định, anh H. ngồi ôm mặt khóc như trẻ con, miệng liên tục đòi mẹ. Bà V.T.N. chạy lại ôm con và hai mẹ con bật khóc.
Từ cú sốc đầu đời đến sự vùi mình vào thế giới ảo
Câu chuyện về anh N.T.H. được tường thuật trên VTC News. Là Tiến sĩ Kinh tế của một trường Đại học danh giá, có ngoại hình, có gia đình viên mãn với vợ đẹp, con ngoan: một trai, một gái, anh H. được nhiều người ngưỡng mộ.
Nhưng không may, sự nghiệp kinh doanh thất bại, bị nhóm bạn phản bội, anh H. trắng tay, không thể gượng dậy, phải vào Nam ẩn cư. Trong khoảng thời gian đầu vào Sài Gòn, anh H. vẫn có những người bạn mời đi nhậu nhẹt. Sau dần bạn bè thưa vắng, anh H. phải sống khép kín, thú vui duy nhất là vùi mình vào chiếc di động. Trong căn phòng lạnh lẽo, anh H. say mê theo dõi ngày đêm những chương trình trên YouTube, tham gia nhiệt tình vào hết nhóm này tới nhóm kia trên Facebook và sa đà vào những cuộc tranh cãi không hồi kết.
Càng tranh luận anh H. càng say máu như con bạc. Có những ngày anh H. gần như quên ăn, quên ngủ chỉ ngồi và bình luận trên mạng xã hội hoặc xem YouTube. Những tranh luận ban đầu tưởng đơn thuần nhưng sau trở thành các cuộc mạt sát, hơn thua, thể hiện cái tôi cá nhân. Nhiều lần anh H. không giữ được bình tĩnh, tuyên bố đánh gãy chân một người không quen chỉ vì người đó có ý kiến trái chiều.
Cũng như rất nhiều người nghiện mạng internet, anh Hoàng cũng bị cuốn hút vào những trang đồi trụy và trở thành “nghiện” phim sex dẫn tới mụ mị đầu óc, sức khỏe suy giảm, dễ cục cằn, nổi nóng.
Dọa đánh vợ và lời cảnh tỉnh cho mọi gia đình
Chừng một năm, không thấy anh H. gọi điện về, cả nhà lo lắng và vào Nam tìm gặp. Thấy chồng đổi khác cả về ngoại hình và tính cách, chị M.T.H ôm con đứng khóc. Tìm hiểu thêm, chị thấy chồng luôn ôm máy xem các kênh có nội dung chính trị sai trái, tư tưởng cực đoan, chửi thề, chửi tục. Chị khuyên chồng liền bị anh nổi đóa mắng mỏ. Chị ôm con bỏ về Hà Nội.
Không có ai ở bên, anh H. càng sa đà vào thế giới ảo tới nỗi mất ăn, mất ngủ và bị co giật phải đưa vào khám tại một Trung tâm Tâm thần ở TP.HCM. Bác sĩ kết luận anh H. bị trầm cảm nặng cộng với việc sử dụng điện thoại quá độ dẫn tới biểu hiện co giật phân ly và khuyên gia đình anh phải đưa bệnh nhân vào điều trị ngay trước khi quá muộn.
Gia đình anh H. quyết định đưa anh về Hà Nội. Trên đường bay từ TP.HCM về Hà Nội, anh H. liên tục đòi chém chém, giết giết. Người vợ khóc cạn nước mắt vì dằn vặt bản thân, chị trách mình giá như chịu tìm hiểu kỹ hơn và thông cảm với chồng thì đâu tới nỗi.
Cuộc vật lộn nội tâm và hành trình bình phục
Năm 2019, trên chiếc xe từ nhà đến bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, anh H. lặng lẽ chào tạm biệt từng góc phố, quán xá thân quen của thế giới người tỉnh, để bước vào cuộc hành trình tìm lại chính mình. Anh luôn mồm tự hỏi: “Tôi điên thật rồi sao? Tại sao tôi phải vào nơi này?". Cuộc giằng xé nội tâm khiến anh H. luôn ở trạng thái như đau đớn.
Nhưng như một thói quen khó bỏ, anh H. luôn mồm đòi điện thoại di động, và ra sức chống đối nếu không được cầm điện thoại. Anh tìm cách đạt được mục đích khi lăn ra ăn vạ rồi không được lại phá phách. Phải mất nhiều tháng anh H. mới quên được thói quen có điện thoại. Với sự kiên trì của các y, bác sĩ, hiện tại anh H. dần trở lại bình thường.
Các bác sĩ giải thích: nguyên nhân dẫn tới bị điên không phải vì nghiện điện thoại nhưng đây là chất xúc tác dẫn tới sự giảm sút sức khỏe, tinh thần mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, lâu ngày những nguy cơ tích tụ cộng hưởng nhiều yếu tố dẫn tới trầm cảm nặng nề.
Bình luận