Nhắc đến nét văn hóa ẩm thực lâu đời của Nhật Bản, không thể không nhắc đến Wagashi. Đây là tên gọi chung cho những loại bánh ngọt truyền thống, thường được ăn kèm trong các buổi tiệc trà. Những chiếc bánh này thường được làm từ bột gạo, đậu đỏ và đường. Tuy nhiên thường được tạo hình và trình bày vô cùng đẹp mắt. Vì vậy, người dân Nhật Bản thường không coi Wagashi như một món ăn mà cho rằng đây là một nét nghệ thuật ẩm thực độc đáo.
Nhiều tài liệu ghi chép rằng, vào thời Yayoi (300 TCN - năm 300 SCN), Wagashi ban đầu có tên gọi là Kashi. Lúc này, những món bánh ngọt thường chỉ phục vụ cho giới hoàng gia và quý tộc. Wagashi thường được sử dụng trong những buổi tiệc trà để bày tỏ sự hiếu khách. Vì vậy, bánh ngọt không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt, thu hút người nhìn. Cứ thế, nghệ thuật làm Wagashi ngày càng phát triển và trở thành đại diện cho những món ăn đầy tính nghệ thuật của Nhật Bản. Mãi cho đến khoảng 1300 năm sau, vào thời Edo (1603 - 1867), Wagashi mới trở nên phổ biến.
Từ thời Edo trở về trước, nguyên liệu để làm Wagashi chủ yếu là: các loại hạt, kê, ngũ cốc và gạo. Ngoài ra, siro, đậu đỏ hoặc trái cây cũng thường được dùng trong công đoạn làm bánh. Do các nguyên liệu chủ yếu là từ thực vật nên món bánh này được đánh giá là tốt cho sức khỏe.
Đến nay, dù có nhiều loại bánh Wagashi khác nhau nhưng nguyên liệu cơ bản vẫn gồm 3 loại chính: bột gạo, đậu đỏ và đường. Ngoài ra, để bánh có độ đàn hồi và không bị biến dạng thì sau khi tạo hình, Wagashi sẽ được nhúng qua một lớp thạch rau câu để tạo để bóng.
Wagashi trong tiếng Hán có nghĩa là "Hòa Quả Tử" (vẻ đẹp của thiên nhiên). Vì vậy, mỗi chiếc bánh đều là mang tính chất hòa hợp với thiên nhiên, tổng hòa những yếu tố tươi đẹp của đất trời. Điển hình là vào mùa thu, bạn có thể bắt gặp những chiếc bánh Wagashi được tạo hình lá phong đẹp mắt. Hoặc vào mùa xuân là hoa anh đào hồng phớt, dịu dàng. Mùa đông là hoa tuyết băng giá nhưng lộng lẫy. Còn mùa hè là những loại Wagashi dạng thạch lại được nhiều người yêu thích nhất.
Đối với người dân Nhật Bản, Wagashi không chỉ là một món tráng miệng đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.Một chiếc bánh Wasaghi đúng chuẩn chỉ nặng 45gram trong đó 20gram là bột gạo, nhân đậu 18gram, còn loại 7 gram sẽ được dùng làm nhụy hoặc lá trang trí.
Để tạo hình được một chiếc bánh Wagashi, người thợ đôi khi phải mất 3 đến 5 năm, thậm chí 10 năm mới có thể làm nhuần nhuyễn được. Bên cạnh đó, để cảm nhận được sự tinh tế của món ăn, người thưởng thức phải sử dụng hết 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác.
Dù có một số loại khuôn cũng như dụng cụ phụ trợ như cây làm nhụy hoa, cây kẻ viền lá để giúp làm wagashi dễ dàng hơn, nhưng người làm vẫn cần rất nhiều sự cầu kỳ để làm được một chiếc wagashi đúng chuẩn, nhìn đẹp mắt, ăn ngon miệng.
Một số loại Wagashi cơ bản
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại Wagashi. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản thường phân biệt Wagashi theo độ ẩm (lượng nước chứa trong bánh).
- Higashi: Loại bánh có độ ẩm dưới 10%, thường khá khô và cứng. Bao gồm Kakemono và Uchimono.
- Han Namagashi: Loại bánh có độ ẩm từ 10% đến 30%. Các loại bánh thường gặp là: Monaka, Kingyoku và Youkan.
- Namagashi: Loại bánh có độ ẩm lớn hơn 30%. Điển hình nhất là bánh Mochi. Ngoài ra còn có các loại bánh khác như: Nerikiri, Kimi Shigure, Gyuuhi...
Với ý nghĩa ẩn sâu trong một chiếc bánh nhỏ bé, Wagashi đã trở thành nét ẩm thực tinh tế và đặc trưng của Nhật Bản. Nếu có cơ hội du lịch đến đất nước mặt trời mọc, đừng quên thưởng thức một buổi tiệc trà cùng những chiếc bánh Wagashi ngon miệng, đẹp mắt này nhé!
Bình luận