Ẩm thực Bạc Liêu là một phần thú vị của ẩm thực Việt Nam. Các món ăn Bạc Liêu vừa mang đặc trưng của ẩm thực miền Tây vừa có nét riêng của vùng miền. Dưới đây là 5 món ăn đường phố đặc sắc rất nên thử ở quê hương "công tử Bạc Liêu".
Bánh canh tôm nước dừa là sự kết hợp giữa các nguyên liệu là sợi bánh canh, tôm tươi, nước cốt dừa. Dù đều là nguyên liệu quen thuộc và đơn giản như vậy, thế nhưng để chế biến thành một món ăn ngon, người làm bếp cần phải có sự tỉ mỉ, khéo léo cả trong khâu lựa chọn cũng như chế biến đấy.
Trước hết, tôm phải là loại tôm đất tươi được làm sạch và tẩm ướp gia vị đậm đà rồi mới đem đi xào chín. Thịt bằm xào rồi hầm cùng với nước dừa tươi tới khi thật mềm. Sợi bánh canh được chế biến từ bột gạo, sau khi đun sôi gần chín thì người nấu mới thả tôm cùng nước cốt dừa vào và nêm nêm lại gia vị sao cho thật vừa vặn. Thưởng thức một tô bánh canh tôm nước dừa, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm nức, béo ngậy và cả vị ngọt đặc trưng từ tôm tươi, cực hấp dẫn và khó quên đấy.
Nổi danh là món mắm chua ngon và thơm nhất trên đất Bạc Liêu, món mắm này có nguồn gốc từ vùng tháp cổ (Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi). Để chế biến được món mắm này, người làm thường dùng cá rô, cá sặc lọc xương muối cùng đường, muối, ớt, tỏi, riềng và thính rang. Khác với những loại mắm ở những vùng miền khác, mắm chua Vĩnh Hưng sau khi làm chỉ có thể thưởng thức được trong tối đa là nửa tháng.
Vì có bí quyết riêng, mà người dân Bạc Liêu đã tạo ra được một món ăn với hương vị riêng biệt mà không đâu có được. Mắm chua Vĩnh Hưng ngon nhất là khi được chấm cùng với thịt luộc gói cùng ổi xanh, trái bần, khế chua, me, chuối chát, dưa leo thái mỏng và ăn cùng với húng, rau thơm, quế,...
Người ta thường nói với nhau rằng, nếu về đến Bạc Liêu mà chưa thử thưởng thức món bún nước lèo thì coi như là chưa từng đặt chân tới đây. Đã có khá nhiều người nhầm lẫn rằng bún nước lèo chính là bún mắm, thế nhưng đây lại là 2 món ăn hoàn toàn khác nhau, chỉ giống ở một điểm là cùng dùng con mắm để chế biến nước dùng mà thôi.
Với bún nước lèo, người ta thường sử dụng mắm cá sặc để trộn cùng với một chút thính và đem hầm một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh hương vị đặc trưng này, bún nước lèo còn có những nguyên liệu khác đi kèm như cá lóc, tôm tươi... giúp tăng thêm hương vị cho món bún nước lèo này.
Bún xào nem nướng là một món ăn dân dã nhưng lại hấp dẫn và khiến người ta phải nhung nhớ về hương vị của nó mãi không thôi. Bún được làm từ bột gạo và có sợi to xào chung với thịt heo thái mỏng và sả bằm. Ngoài ra bún xào còn được phục vụ cùng nem nướng nóng hổi, thơm lừng.
Món ăn này tưởng chừng giống với những món nem nướng nhưng nó lại có một nét rất riêng. Bún xào nem nướng ăn kèm đậu phộng và nước mắm pha cùng rau sống rất vừa vị và ít ngán..
Thật uổng phí nếu như bạn bỏ lỡ mất món bánh củ cải khi đến thăm “xứ công tử Bạc Liêu”. Nguồn gốc của món bánh này là của người Hoa, thường được chế biến và thưởng thức vào những dịp lễ tết, cúng giỗ. Theo thời gian, bánh củ cải đã nhanh chóng trở thành một nét đẹp riêng biệt trong văn hóa ẩm thực và cũng chính là niềm tự hào của người dân xứ Bạc Liêu.
Qua bàn tay vô cùng cùng khéo léo của người làm bếp, phần vỏ bánh sẽ được chế biến từ bột mì và củ cải trắng xay nhuyễn và cán mỏng. Nhân bánh là sự kết hợp giữa củ cải trắng, tôm khô, thịt và đậu phộng. Bánh khi hoàn thành sẽ có màu trắng trong, có thể nhìn xuyên thấu cả vào phần nhân bên trong. Cũng có cách làm khác là đổ bột gạo cùng củ cải, thịt, tôm xào, lạc vào hấp cách thủy rồi xắt thành miếng vừa ăn. Bánh củ cải thường được ăn kèm với rau sống và nước mắm pha.
Nếu như có dịp được đặt chân tới xứ Bạc Liêu lần đầu, bạn nhất định hãy thưởng thức những đặc sản Bạc Liêu trên dây để hiểu hơn về ẩm thực Bạc Liêu nói riêng và ẩm thực miền Tây nói chung.
Bình luận