Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, vừa có một trường hợp tử vong liên quan đến ổ dịch bạch hầu tại Tây Nguyên. Bệnh nhân là bé trai 12 tuổi, sinh sống tại Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 13/9 trong tình trạng rất nặng.
Bé trai được xác định mắc bạch hầu ngày thứ 7, diễn tiến biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim tăng cao. Mặc dù đã hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi, tử vong sau khi nhập viện.
Ngoài trường hợp trên, bệnh viện còn có 2 ca bệnh bạch hầu khác đang triều trị, diễn biến ổn định.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Những trường hợp biến chứng nặng sẽ bị nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim, suy tim nguy cơ tử vong rất cao.
Tây Nguyên hiện có gần 200 ca mắc bạch hầu. Số ca tăng mạnh kể từ mùa tựu trường.
Bình luận