Cứ đến dịp năm mới đến, mỗi quốc gia trên thế giới lại bày biện lên bàn ăn những món ăn truyền thống đặc trưng vừa để thưởng thức vừ để mang lại vận may cho mọi thành viên trong gia đình. Những món ăn này đều có điểm chung là vừa đảm bảo về mặt sức khỏe, vừa có tính thẩm mỹ và được người dân ở đây tin rằng sẽ được may mắn, hạnh phúc. Cùng du lịch quanh thế giới khám phá nền ẩm thực ngày Tết từ các nước trên thế giới ngay sau đây.
Soba trong tiếng Nhật nghĩa là kiều mạch. Mì Soba với sợi mì mỏng được làm từ bột kiều mạch tượng trưng cho sự trường thọ và cuộc sống vĩnh cửu, đây cũng là món ăn truyền thống đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Bên cạnh đó, sợi mì dai dai tượng trưng cho sự dẻo dai, bền bỉ trong năm mới, cộng với hành động húp mì gắn liền với sự may mắn đầu năm.
Món mì soba này có thể được phục vụ ướp lạnh với nước chấm, hoặc dùng nóng với nước như những món mì bình thường. Khi thưởng thức, người dân Nhật sẽ không cắn nhỏ hay nhai sợi mì, vì cho rằng làm như thế sẽ được coi là "cắt đứt" vận may của mình trong một năm mới đến.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc thưởng thức những loại bánh ngọt hình vòng hay bánh chiên nướng đủ kiểu trong đêm giao thừa là tượng trưng cho việc tiếp nhận một năm mới thật tròn trĩnh, trọn vẹn. Những món tráng miệng này theo truyền thống thường được ăn vào cuối các mùa lễ như Lễ hiển linh hay những dịp năm mới.
Ở Mexico, Roscas de Reyes là một loại bánh mì ngọt quen thuộc với hình tròn cuộn được làm từ bột mì với đa dạng "topping" như trái cây, mứt, chocolate...thường được thưởng thức vào ngày 6/1 trong Lễ Ba Vua của đạo Công giáo.
Đậu mắt đen được nhận định là loại đậu giàu dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, đậu mắt đen còn được ví như những đồng xu, khi được phục vụ kèm với rau xanh (tượng trưng cho tờ tiền đô) và bánh ngô (tượng trưng cho vàng), sẽ là bộ ba kết hợ mang lại sự thịnh vượng phú quý vào năm mới.
Cộng đồng người Nam Mỹ vào đầu năm mới sẽ quây quần nhau thưởng thức món ăn truyền thống có tên Hoppin 'John, với ước vọng sẽ giàu có, công việc thuận lợi trong cả năm. Đây là ẩm thực có nguồn gốc từ châu Phi và Tây Ấn, với nguyên liệu gồm đậu mắt đen, thịt xông khói hoặc giăm bông, ăn kèm với cơm.
Mặt khác, phần thức ăn thừa trong ngày tiếp theo sẽ được gọi là Skippin' Jenny, tượng trưng cho sự tiết kiệm và thịnh vượng lâu dài.
Khoai tây đóng vai trò quan trọng trong đời sống ẩm thực người Hà Lan. Vì vậy những món ăn từ khoai tây như khoai tây nghiền trộn rau, hay Oliebollen là những món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong các bữa tiệc đêm Noel và đón năm mới của các gia đình xứ sở cối xay gió.
Oliebollen là loại bánh làm từ bột mì trộn với nho khô, nặn thành viên tròn và sau đó chiên lên , khi ăn sẽ rắc thêm bột đường bên trên để tăng hương vị ngọt ngào cho món ăn. Món ăn truyền thống này thường được ăn kèm với rượu sâm-panh để mang lại kết hợp hương vị hoàn hảo nhất.
Dưa cải muối hay còn gọi là Sauerkraut, được xem là món ăn đặc sản của người Đức, không chỉ vào dịp năm mới mà trong cả đời sống ăn uống hàng ngày. Họ thường thưởng thức Sauerkraut cùng giò heo, các món chiên, nướng… để giảm vị béo ngậy của thịt và làm món ăn trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn.
Người dân ở đây quan niệm, màu xanh của bắp cải sẽ gắn liền với sự may mắn và tài lộc. Ngoài Đức, nhiều cộng đồng người sống ở Đông Âu, Hà Lan cũng quen với việc ăn dưa cải muối đầu năm với hy vọng mang lại may mắn và giúp cuộc sống của họ trở nên thịnh vượng.
Có thể bạn chưa biết. lợn là loài vật biểu tượng cho sự thăng tiến ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Cuba, Bồ Đào Nha, Hungary... Nguyên nhân là vì chúng không bao giờ lùi lại phía sau, hay thói quen luôn dũi mõm về phía trước để tìm kiếm thức ăn. Do đó, vào các dịp lễ quan trọng như năm mới, người dân thường chuẩn bị các món từ thịt lợn để mong muốn một cuộc sống sung túc, phát tài hơn.
Truyền thống ăn thịt lợn được duy trì đến ngày nay tại nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm những cộng đồng người Hà Lan và người Đức. Họ thường ăn thịt lợn kèm với sauerkraut để món ăn thêm hài hòa, chất lượng hơn.
Những chiếc bánh Kransekage được xếp thành tầng theo hình tháp được xem là món ăn tâm điểm của bữa tiệc đêm Giao thừa ở Na Uy và Đan Mạch.
Những chiếc bánh được làm từ hạnh nhân và phủ đá, chocolate và điểm thêm các loại hạt, sau đó xếp chồng lên nhau thành hình nón độc đáo. Người ta thường thưởng thức chúng cùng với rượu sâm panh, vừa đẹp mắt mà lại rất ngon.
Kransekage tượng trưng cho sự may mắn và bền chặt, hy vọng một năm mới được tốt đẹp và an lành. Ngoài ra, món bánh đặc sắc này còn được dùng trong lễ cưới nhằm chúc phúc cho các cặp đôi trăm năm hạnh phúc.
Màu đỏ của quả lựu đại diện cho trái tim sinh sôi nảy nở và đem lại may mắn, lượng hạt bên trong tượng trưng cho sự thịnh vượng, giàu có. Đó là lý do người dân Thổ Nhĩ Kỳ thường ăn loại trái cây này vào đầu năm mới để hi vọng một năm đầy khởi sắc. Bên cạnh đó, lựu cũng cũng rất tốt cho sức khỏe với khả năng trị bệnh hiệu quả.
Hay tại Hy Lạp cũng có truyền thống đập quả lựu vào cửa trước nhà. Hành động này ngụ ý đón chào năm mới thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc đến cho các thành viên trong gia đình.
Tamales đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực ngày Tết của đất nước Mexico. Chiếc bánh gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi phần vỏ bánh bên ngoài được làm từ vỏ ngô, vốn được xem là phần vứt đi. Bên trong vỏ ngô là lớp bánh từ bột, kèm nhân thịt, nhân ngọt hoặc nhân chay tùy ý.
Để làm ra thành quả này, đòi hỏi sự kết hợp chuẩn bị và chế biến từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè khi làm ra với số lượng lớn. Tuy không cầu kỳ nhưng Tamales lại giúp khăng khít tình cảm các thành viên trong gia đình, bạn bè vào mỗi dịp năm mới đến, thể hiện được sự đoàn tụ gia đình.
Người dân Philippines và Tây Ban Nha quan niệm rằng, những loại quả có hình dạng tròn như nho sẽ tượng trưng cho những đồng tiền vàng bạc, vì thế họ tin rằng nếu ăn chúng vào đêm giao thừa sẽ có một năm mới thật nhiều tiền, thịnh vượng.
Dần dần ở Philippines, truyền thống ăn quả nho mở rộng ra thành ăn cả những trái cây mang hình dạng tròn khác như táo, ổi, vải, lê, cam... Và đối với họ, 13 là con số may mắn nên họ sẽ trưng bày với số lượng 13 trái trên mâm cỗ ngày Tết. Còn đối với Tây Ban Nha và các nước Âu Mỹ khác sẽ trưng bày 12 trái vì số 12 sẽ tượng trưng cho số tháng trong năm, tương ứng với 12 tháng sung túc.
Bình luận