3 tên đường phố thường bị đọc sai ở Hà Nội
- NA
- Đăng lúc: Thứ hai, 12/10/2020 09:32 (GMT +7)
Những tên đường phố thân thuộc hàng ngày tại Hà Nội đôi khi được đọc chệch đi và dần trở thành quen miệng với nhiều người.
Có lẽ không dưới một lần người Hà Nội và khách du lịch từng nghe qua tên những con phố này và chắc hẳn cũng đã không ít người đã từng đọc sai tên của 3 đường phố dưới đây, bạn thử xem mình có trong số đó không nhé.
1. Phố Báo Khánh
Là một con phố nhỏ và dài hơn 100m, phố Báo Khánh là đoạn nối phố Lê Thái Tổ và phố Hàng Trống. Mặc dù nằm ngay cạnh hồ Gươm nhưng phố khá lại khá khuất và cũng không nhiều hàng quán nên ít người để ý đến. Phố có tên Báo Khánh bởi trước đây là nền đất của thôn Báo Khánh. Dù tên chính thức là Báo Khánh nhưng đa phần mọi người thường gọi con phố này là Bảo Khánh.
Ngoài phố Báo Khánh thì ngõ Báo Khánh ngay cạnh cũng thường xuyên được đọc chệch đi là Bảo Khánh. Ngõ Báo Khánh là con ngõ cắt phố Báo Khánh và thông sang ngõ Hàng Hành, con ngõ này khá đông đúc với nhiều nhà hàng và quán cà phê.
2. Phố Tố Tịch
Tố Tịch là một con phố ngắn chỉ khoảng 90m kéo từ phố Hàng Quat đến phố Hàng Gai. Theo nghĩa chữ thì Tố Tịch có nghĩa là “chiếu trắng”, tuy nhiên ngày nay không thấy có tài liệu gì ghi lại về nghề bán chiếu hay làm chiếu gì tại con phố này. Có thể để thuận miệng, nhiều người đã đọc Tố Tịch thành Tô Tịch.
Các bạn trẻ thường gọi phố hoa quả dầm thay cho tên phố chính thức, bởi có nhiều hàng bán hoa quả dầm nằm san sát trên con phố nhỏ Tố Tịch. Ngoài hoa quả dầm thì đầu phố cũng có một vài hàng bán đồ thờ cúng. Những gia đình này là người làng Nhị Khê ở Thường Tín mang nghề tiện gỗ và khắc gỗ ra con phố này. Các đồ thủ công mỹ nghệ như mâm gỗ hay ống hương tròn được bày bán tại cửa hàng này cùng với những chiếc chén đĩa nhỏ bày trên bàn thờ.
3. Đường Cố Ngự
Con đường Thanh Niên ngày nay chạy nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch từng được mang tên là Cố Ngự. Cái tên này đã đi vào lời bài hát Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng với cái tên Cổ Ngư trong câu hát “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về” thật nên thơ. Cố Ngự có nghĩa là “giữ vững, bền vững” và thường được người dân nhớ tới với cái tên đọc trại là Cổ Ngư.
Con đường nằm giữa 2 cái hồ lớn nhất nhì Hà Nội dài hơn 1km này được bắt đầu từ dốc Yên Phụ kéo tới ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê. Những năm 1957-1959, khi con đường Cố Ngự nhỏ được thanh niên thủ đô góp sức mở đường to đẹp hơn, Bác Hồ đã gợi ý đổi tên thành đường Thanh Niên để ghi nhận sự đóng góp của lớp người trẻ với thành phố. Trên đường Thanh Niên ngày nay có 2 di tích nổi tiếng là chùa Trấn Quốc với tên ban đầu là Khai Quốc và đền Quán Thánh. Trong tiết thu Hà Nội, ngồi ở một quán cà phê trên cao và phóng tầm mắt nhìn mặt hồ mênh mông cũng là một cách thú vị để thưởng thức ánh hoàng hôn dần buông.