Hà Nội nổi tiếng với "miếng ngon". Mùa nào thức nấy, ẩm thực Hà Thành luôn khiến cho người từ phương xa tới "phải lòng" và người phải đi xa thì nhớ nhung.
Hà Nội đẹp nhất là mùa thu và món ngon Hà Nội cũng đặc sắc nhất mỗi độ thu về.
Khi nhắc đến mùa thu Hà Nội, chắc chắn ai cũng nhớ đến một thứ quà quê vừa thanh tao vừa dân dã là cốm làng Vòng. Dù hiện nay cốm ở Hà Nội được bày bán quanh năm, nhưng với nhiều người, cốm làng Vòng ngon nhất là khi được thưởng thức vào tiết heo may.
Từ đôi quang gánh của các chị, các mẹ, những hạt gốm xanh gói trong lá sen để vừa giữ độ dẻo vừa giữ được hương thơm nhè nhẹ vương vất khắp phố phường Hà Nội. Ngoài món cốm nguyên chất hay ăn kèm chuối chín, hồng đỏ, ngày nay cốm được biến tấu thành nhiều món ngon khác như: cốm xào, xôi cốm, chè cốm, bánh dẻo cốm…
Sấu chín dầm là món ăn vặt đường phố đặc sắc của Hà Thành. Hòa trộn hương vị hài hòa của chua, cay, mặn, ngọt cùng vị bùi của thịt sấu, vị giòn sật của vỏ sấu và hương thơm dịu đặc trưng, món ăn không chỉ làm mê các cô cậu học trò mà còn dụ dỗ dân công sở và những vị khách phương xa.
Sấu chín dầm được bán trên các xe hàng bán quả rong hoặc dọc tuyến đường Phan Đình Phùng rợp trong bóng sấu bốn mùa.
Khoảng thời gian từ cuối tháng chín đến đầu tháng mười là thời điểm rươi xuất hiện nhiều nhất, và đó cũng là lúc người Hà Nội đem đến một món ăn có một không hai của mình.
Có rất nhiều cách để chế biến món rươi như: rươi hấp, mắm rươi, rươi xào lá gấc… nhưng đặc sắc nhất vẫn là trộn rươi làm chả. Ngoài rươi là nguyên liệu chính thì món chả rươi còn có thịt nạc băm nhỏ, hành hoa, trứng gà, thì là, lá chanh, lá lốt và vỏ quýt. Vỏ quýt được xem là linh hồn của món chả rươi. Nếu thiếu đi thành phần này, món chả rươi sẽ không dậy mùi và hương vị cũng không thể hòa quyện với nhau.
Chả rươi Hà Nội khác với chả rươi ở các vùng Hải Dương, Hải Phòng ở chỗ cách rán bánh chả nhỏ, mỏng và giòn. Chấm miếng chả rươi với nước mắm chua ngọt, thưởng thức vị bùi, béo ngậy được pha trộn lá thơm vừa độ, không thể không xuýt xoa cái tài ẩm thực tinh tế của người Tràng An.
Trong các gia đình truyền thống của Hà Nội, mâm cúng tổ tiên những ngày mùa thu sẽ không thể đầy đủ nếu thiếu những quả hồng chín mọng.
Mùa hồng khá ngắn, kéo dài khoảng vài tuần trước và sau tết Trung Thu. Những quả hồng đỏ cam có vị ngọt dễ chịu, mềm và thơm. Đặc biệt khi bày lên mâm cúng gia tiên, màu đỏ óng ả của hồng tạo nên sự trang nhã và tươi tắn cho mâm ngũ quả.
Dù hiện nay trên thị trường có nhiều hãng bánh trung thu nổi tiếng với các loại nhân cầu kỳ, đắt đỏ, thế nhưng người Hà Nội gốc vẫn chỉ chuộng món bánh nướng bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống.
Bánh trung thu Bảo Phương, bánh trung thu Xuân Đỉnh hay bánh trung thu Hữu Nghị... là những thương hiệu bánh yêu thích của đất Tràng An. Người Hà Nội mỗi khi đi xa cũng thường mang chiếc bánh truyền thống này làm quà. Vị bùi béo ngọt mặn thanh nhẹ vừa đủ của hạt sen, lạp xưởng, mứt bí, vừng, thịt mỡ, lá chanh… đã trở thành mùi vị đặc trưng của ký ức, thứ mà người dân nơi đây luôn cố gắng giữ gìn cho mảnh đất nghìn năm văn vật.
Bình luận