5 loại bánh Trung thu phổ biến bậc nhất ở các quốc gia châu Á
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ hai, 05/09/2022 11:57 (GMT +7)
Nếu như người Nhật Bản yêu thích món bánh Tsukimi Dango thì người Hàn Quốc lại ăn bánh Songpyeon hình trăng khuyết trong Tết Trung thu.
Tết Trung thu còn được biết đến với tên gọi khác là rằm tháng Tám vì người ta thường tổ chức ngày lễ này vào giữa tháng 8 âm lịch. Đây là ngày lễ phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nếu như người Việt thường ăn bánh dẻo, bánh nướng trong ngày Tết Trung thu thì các quốc gia khác cũng có những món bánh đặc trưng riêng. Cùng 2Đẹp điểm qua những loại bánh thường được ăn trong ngày Tết Trung thu ở các nước châu Á nhé.
1. Bánh nướng – Trung Quốc
Loại bánh nướng thường được người Trung Quốc ăn trong dịp tết Trung thu còn được gọi là Yuebing. Thông thường, loại bánh này sẽ có hình tròn và được in những chữ Hán mang ý nghĩa tốt lên trên mặt bánh.
Tuỳ vào sở thích và khẩu vị của từng vùng mà bánh nướng Trung Quốc sẽ có những loại nhân và hương vị khác nhau. Nếu như người Bắc Kinh thường sử dụng bột mịn và làm nhân táo gai núi thì bánh trung thu vùng Tô Châu lại có vỏ mỏng, nhân thịt heo và có thêm một chút mè rang.
Ngoài ra bánh nướng cũng rất phổ biến với người Việt, người Malaysia... với những biến tấu khác nhau.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cách làm bánh Trung thu Đài Loan thơm ngon lạ miệng cho mùa Trung thu
2. Bánh Tsukimi Dango – Nhật Bản
Trong tiếng Nhật, “Tsukimi”có nghĩa là “ngắm trăng”, có lẽ vì thế mà món bánh Tsukimi Dango thường xuất hiện trong lễ Trung thu ở Nhật Bản. Cách làm bánh Tsukimi Dango khá đơn giản và tương tự như làm bánh trôi nước ở Việt Nam. Sau khi sử dụng hai loại bột là Shiratama và Joushinko pha với nhau, họ sẽ có nguyên liệu để chế biến một chiếc bánh vừa cứng cáp lại dẻo dai.
Sau khi chế biến xong, họ sẽ xếp bánh thành hình tháp rồi mang đi cúng. Khi ăn, họ sẽ mang nướng qua cho vỏ bánh hơi giòn và ăn kèm chút mật đường, bột đậu đỏ hoặc bột đậu nành. Ngoài ra, bánh Tsukimi Dango cũng được dùng kèm trà xanh để cân bằng vị.
3. Bánh Songpyeon – Hàn Quốc
Đối với người Hàn Quốc, Trung thu chính là một trong hai ngày lễ quan trọng nhất năm. Trong ngày ngày, người ta sẽ ăn món bánh Songpyeon, một loại bánh tteok có dạng trăng khuyết độc đáo. Để chế biến bánh Songpyeon, người Hàn Quốc sẽ sử dụng bột gạo tẻ. Phần nhân bánh Songpyeon thường sẽ là vừng, hạt dẻ, đậu đen hoặc đậu đỏ. Đặc biệt, để bánh Songpyeon có nhiều màu sắc bắt mắt hơn, người làm bánh sẽ “nhuộm” màu bánh từ bí ngô hoặc lá ngải cứu.
Bánh Songpyeon sau khi nặn thành hình bán nguyệt xong sẽ được xếp vào các xửng và hấp cùng lá thông. Nhờ vậy mà khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng và hấp dẫn từ lá thông.
4. Bánh Hopia – Philippines
Nếu nhìn qua, bạn sẽ thấy chiếc bánh Hopia của Philippines không quá đặc sắc. Không có màu sắc hấp dẫn, không có hoa văn cầu kỳ, thế nhưng món bánh trung thu Philippines này lại có phần nhân vô cùng đa dạng. Tuỳ vào khẩu vị mà bạn có thể chọn cho mình loại bánh có nhân từ đậu xanh, thịt lợn, đậu đỏ hoặc khoai lang tím. Ngoài ra, bánh Hopia thường có lớp vỏ mỏng, giòn nên cực hợp với những người thuộc team “anti vỏ bánh nướng”.
5. Bánh trung thu dẻo lạnh – Singapore
Được biến tấu từ món bánh trung thu da tuyết nổi tiếng của Trung Quốc, bánh trung thu dẻo lạnh Singapore nổi bật với lớp vỏ ngoài dẻo dai và phần nhân mềm thơm, phong phú. Vì được bảo quản lạnh nên món bánh này sẽ có hương vị ngọt dịu, ít dầu mỡ và tốt cho sức khoẻ.
Bánh trung thu dẻo lạnh Singapore có cách chế biến khá đơn giản, chỉ cần khéo tay một chút là bạn đã có thể tự làm ngay tại nhà. Phần nhân bánh có thể được làm từ matcha, đào, sầu riêng hoặc khoai môn, thạch trái cây…