5 lý do khiến đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam phức tạp hơn những lần trước
- Alex
- Đăng lúc: Thứ hai, 10/05/2021 11:25 (GMT +7)
Theo Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay hệ thống giám sát ghi nhận 411 bệnh nhân Covid-19 mới, là các ca lây nhiễm trong nước.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu cuối năm 2019 đầu năm 2020, Việt Nam - dù là một trong những nước có công tác phòng chống dịch tốt nhất trên thế giới song vẫn phải đối mặt với 4 đợt sóng Covid-19 phức tạp.
Lần 1 là từ 23/1 dến 24/7/2020 với số ca nhiễm là 413 ca tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM.
Lần 2 là từ 25/7/2020 đến 27/1/2021 với số ca nhiễm tăng lên 1138 ca, tâm dịch là tại TP. Đà Nẵng, đồng thời xuất hiện những trường hợp tử vong đầu tiên
Lần 3, từ 28/1 đến 26/4/2021 với số ca nhiễm tăng lên 1301 ca, tâm dịch là tại tỉnh Hải Dương, đây cũng là thời điểm những liều vaccine đầu tiên được tiêm cho người dân.
Lần 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay. Tính đến sáng ngày 10/5, đã có 411 ca nhiễm Covid-19 mới, đặc biệt là số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng là tỷ lệ rất cao, tới hơn 90%. Các chuyên gia y tế đều nhận định, làn sóng Covid-19 thứ 4 này tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp cao hơn hẳn những lần trước.
Vậy những lý do nào để dẫn đến nhận định như trên?
Liên tiếp xuất hiện những ổ dịch lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước
Trong các đợt dịch trước, hầu như các ổ dịch đều ở phạm vi nhỏ hoặc nếu ở phạm vi rộng thì đều được khoanh vùng trong một địa bàn nhất định, điều này khiến cho khả năng kiềm tỏa và kiểm soát nguồn lây bệnh giảm bớt độ phức tạp.
Song, với đợt dịch thứ 4 này, tại nhiều thành phố liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tễ phức tạp. Tiêu biểu là thủ đô Hà Nội với 2 ổ dịch lớn là Bệnh Viện Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện K Tân Triều. Tỉnh Hà Nam - nơi khởi phát cho đợt dịch lần này với ổ dịch tại xã Đạo Lý, Lý Nhân. TP. Đà Nẵng với các ổ dịch là quán bar New Phương Đông và thẩm mỹ viện Amida. Vĩnh Phúc với ổ dịch là quán bar-karaoke Sunny.
Nguy cơ từ kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cần phải khẳng định rằng, nguồn lây nhiễm bệnh dịch lần này đã xuất hiện từ thời điểm trước kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 1/5. Điểm đáng nói chính là trong dịp nghỉ lễ trên, đã có rất nhiều người dân thực hiện các chuyến đi du lịch, đi chơi tại nhiều địa phương trên cả nước.
Điều này dẫn đến nhiều nguồn lây có khả năng phát tán tại những điểm tập trung đông người. Tiêu biểu là các khu du lịch nổi tiếng đã "ken đặc" người trong dịp lễ như Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu, Đà Nẵng....Từ đó, các nguy cơ lây lan trong cộng đồng cũng tăng theo cấp số nhân.
Lịch trình di chuyển phức tạp của các F0, F1
Việc xác định các trường hợp liên quan đến bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa bao giờ là dễ dàng. Công tác khoanh vùng, xác minh lịch trình di chuyển của họ lại càng khó khăn gấp bội.
Trong làn sóng Covid lần thứ 4 này, hầu hết các F0, F1 đều "vô tình" nhiễm và không biết mình nhiễm, điển hình như ổ dịch tại các bệnh viện nhiệt đới Trung ương, Bệnh biện K (Hà Nội) thì có rất nhiều người là người nhà, người đến thăm nuôi bệnh nhân và sau khi họ trở về địa phương, đã là nguồn trung gian lây lan virus cực mạnh ra cộng đồng.
Hay như vừa qua, trường hợp của BN 3141 đã đi du lịch từ ngày 2/5 đến ngày 5/5 qua những điểm du lịch vô cùng đông đúc khách như Nha Trang, Đà Lạt cũng kéo theo hàng nghìn trường hợp liên quan chưa xác định được tình trạng.
Xuất hiện biến thể siêu lây nhiễm của Covid-19 có nguồn gốc từ Ấn Độ
Kết quả giải trình tự gien của một số ca bệnh đã xác định được bệnh nhân Covid-19 mang biến thể của Ấn Độ, thuộc chủng B.1.617.2 tại Vĩnh Phúc. Ngoài ra, cũng xuất hiện các chủng biến thể nguy hiểm khác của Anh tại Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh đã khiến đợt dịch lần này tốc độ lây lan nhanh hơn.
Chúng ta đều có thể thấy, chủng biến thể Ấn Độ đã "nhấn chìm" cả đất nước tỷ dân trong hỗn loạn như thế nào. Theo báo cáo công khai, có thời điểm, mỗi ngày ở Ấn Độ phải đối mặt với gần 500 nghìn ca mắc mới, một con số khủng khiếp.
Các chuyên gia cho biết biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác, đồng thời chúng sở hữu đột biến E484K, giúp virus né tránh hệ miễn dịch. Làm giảm tác dụng của vaccine chống Covid.
Nguy cơ tiềm ẩn đến từ những trường hợp nhập cư trái phép
Điều đáng buồn là tại Việt Nam, những trường hợp nhập cư trái phép qua biên giới bằng nhiều phương thức khác nhau chưa bao giờ chấm dứt. Các nước phổ biến có cư dân liên tiếp "vượt rào" vào Việt Nam thường đến từ Trung Quốc, Camphuchia...
Điển hình như mới đây là vụ hơn 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Hà Nội hay những vụ vượt biên qua bên giới Campuchia - Việt Nam. Với sự tiếp tay của những tội phạm người Việt, gây ra sự khó khăn trong công tác kiểm soát, kiểm dịch cho lực lượng chức năng Việt Nam. Đồng thời mang đến nguy cơ không hề nhỏ của những nguồn bệnh đến từ nước ngoài.