5 lý do thời trang phim truyền hình Việt mãi không được đánh giá cao?
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ hai, 27/09/2021 15:20 (GMT +7)
Dù thời gian gần đây, phim truyền hình Việt Nam đang dần lấy lại cảm tình của khán giả nhưng thời trang phim vẫn bị chê không thương tiếc.
Một tín hiệu đáng mừng cho thị trường phim Việt Nam khi các bộ phim truyền hình đang dần có lại sự quan tâm trở lại của khán giả. Nhưng bên cạnh kịch bản hấp dẫn, diễn xuất của diễn viên được đánh giá cao thì thời trang trong phim vẫn bị coi là một rào cản lớn khiến phim truyền hình Việt chưa thật sự chinh phục các "mọt" phim. Vậy đâu là nguyên do khiến thời trang phim Việt lại bị khán giả đem ra bàn tán và săm soi nhiều như vậy?
1. Không có stylist chuyên nghiệp
Để diễn viên có thể chỉn chu khi lên phim thì mỗi đoàn phim luôn phải có những người chịu trách nhiệm về mặt trang phục, gọi là người quản lý phục trang. Người quản lý phục trang đôi khi chịu trách nhiệm như một stylist nhưng về mặt bản chất, họ không có chuyên môn đặc biệt về lĩnh vực này. Họ chỉ chịu trách nhiệm chuẩn bị quần áo tươm tất cho một số diễn viên chính, bên cạnh đó họ còn phải ghi chép thông tin thời trang diễn viên để tạo tính liền mạch và hợp lý cho các phân đoạn.
>> Xem thêm: Bà Xuân của "Hương Vị Tình Thân": "Khán giả có quyền chê diễn viên mặc xấu"
2. Không được tài trợ trang phục
Vẫn có cách để các diễn viên được tha hồ mặc đẹp mà không ngại kinh phí, đó chính là được tài trợ trang phục từ các nhãn hiệu thời trang. Mục đích của việc này là đôi bên cùng có lợi, diễn viên mặc đẹp và trang phục của nhà mốt được quảng bá. Nhưng để đòi hỏi điều đó, bộ phim phải thật sự gây được tiếng vang và được nhiều người quan tâm - điều mà đa số phim truyền hình Việt vẫn chưa làm được.
3. Diễn viên tự chọn trang phục
Diễn viên là những người được đánh giá cao về diễn xuất nhưng không phải ai cũng có gu thẩm mỹ tốt. Việc đoàn phim không chú trọng khâu trang phục cho diễn viên dẫn đến nhiều diễn viên phải tự phối đồ theo ý mình. Việc này giúp đoàn phim bớt đi gánh nặng về kinh phí váy áo nhưng kết quả là bị khán giả chê mặc xấu, mặc không hợp lý, thiện cảm đối với bộ phim cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, diễn viên sẽ chủ động bàn bạc với đạo diễn trước khi vào cảnh quay để nắm được tinh thần rồi tự chọn trang phục cho phù hợp. Họ thấy phù hợp là một chuyện nhưng khán giả là thị hiếu có thấy như vậy không lại là chuyện khác.
4. Chưa nghiên cứu kĩ về một số trang phục đặc thù
Những bộ phim mang tính chất cổ trang, văn hoá hay biểu tượng ngành nghề đều cần có sự đầu tư trang phục chỉn chu cũng như bám sát thực tế. Vì nếu để khán giả soi ra được những điểm bất hợp lý thì cũng gây hiệu quả truyền thông xấu cho phim.
Trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang trên đà phát triển, hy vọng tập thể đoàn phim sẽ quan tâm nhiều hơn đến thời trang phim, nhìn nhận những hạn chế và khắc phục một cách triệt để. Bởi lẽ, giờ đây khán giả không chỉ quan tâm kịch bản, lưu tâm đến diễn xuất của diễn viên mà còn đặc biệt chăm "soi" trang phục của dàn diễn viên.