5 nguyên nhân khiến xe máy Honda đội giá ầm ầm mà vẫn "cháy hàng"
- Alex
- Đăng lúc: Thứ sáu, 22/04/2022 17:43 (GMT +7)
Hiện tại, một chiếc Honda Vision được bán ra từ đại lý có giá "đội" lên tới cả chục triệu đồng, nhưng vẫn không đủ hàng bán. Nguyên nhân là vì sao?
Honda Vision là mẫu xe bán chạy nhất của Honda ở Việt Nam ( với 46.667 chiếc bán ra trong tháng 3/2022) chiếm gần 1/3 số lượng xe bán ra của Honda tức là cứ trung bình 4 xe máy Honda bán ra thì có một chiếc là Vision. Chia bình quân theo thời gian thì cứ mỗi phút trôi qua thì có hơn một chiếc Vision được bán ra (trong tháng 3). Điều đặc biệt là hiếm có chuyện, khách hàng có thể mua được xe Vision đúng với giá công bố của nhà sản xuất là 30,23 triệu đồng cho bản thường và 31,9 triệu đồng cho bản cao cấp, 33,27 triệu đồng cho bản đặc biệt và và 34,94 triệu đồng cho bản cá tính. Vậy xe đến tay khách hàng là bảo nhiêu? Hãy cứ cộng thêm từ 7 đến 10 triệu đồng là sẽ ra đáp án.
Một ví dụ, nếu khách hàng muốn sở hữu bản Honda Vision Cá tính (giá hãng là 34,94 triệu) thì sẽ phải chi tới 45 triệu, "đội" hơn tới 10 triệu chưa tính phí ra biển và lăn bánh. Nếu hoàn thiện, khách hàng sẽ phải chi khoảng 50 triệu cho bản cao cấp nhất của mẫu xe hot nhà Honda. Một con số không hề nhỏ, thế nhưng đây dường như không phải vấn đề, khi mà Vision vẫn "cháy hàng" như thường.
Nguyên nhân vì đâu, xe Honda "đội giá ầm ầm" và vẫn tấp nập người mua? Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến "nghịch lý" này trên thị trường.
1. Nhu cầu của người tiêu dùng
Vẫn có câu "Có cầu thì mới có cung", không thể phủ nhận, nhu cầu mua bán và sở hữu xe máy vẫn là vô cùng lớn ở Việt Nam. Honda lại là hãng cung cấp xe và phân phối xe máy lớn nhất tại thị trường, thế nên không khó hiểu khi nhiều người người tiêu dùng "mặc định" trong đầu mua xe máy thì nghĩ đến và phải mua Honda đầu tiên và giá có đắt hơn "chút chút" thì cũng không sao, vì nó đi kèm với chất lượng và sự an tâm.
2. Sức mạnh và giá trị của thương hiệu Honda
Honda, cái tên đã gần như là không thể thay thế và có vị trí dẫn đầu mang tính "truyền thống quốc dân" ở đất nước hình chữ S. Xe gắn máy được rất nhiều vùng miền của Việt Nam gọi luôn là xe honda là đã đủ thấy vị thế của hãng xe này trong lòng người Việt. Với sức mạnh thương hiệu lâu đời và có chỗ đứng vững vàng đến vậy, không khó để hãng này hay các nhà phân phối tự tin "tung giá" khi bán hàng ra thị trường.
3. "Cái bắt tay giấu mặt" của Honda và các đại lý
Honda Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định, hãng này và các đại lý là các đối tác kinh doanh độc lập, tức là - các đại lý nhập xe từ nhà máy về, họ bán giá nào, hãng không can thiệp được. Như vậy, câu chuyện sẽ đi theo hướng, Honda Việt Nam chỉ quan tâm doanh số của họ vẫn tăng đều và cam kết đầy đủ về chính sách giá cho đại lý. Thị trường tăng giảm hay cạnh tranh không phụ thuộc và cũng không thuộc phần trách nhiệm của họ.
4. Chế tài và quy định về giá xe máy theo luật còn nhiều "kẽ hở"
Cách đây vài năm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương phải thừa nhận rằng, cơ quan chức năng khó lòng tìm cách giải quyết việc đội giá bán xe cho người tiêu dùng bởi "sợi dây liên kết" giữa Honda và các đại lí là "mua đứt bán đoạn". Giá bán xe trên trang chủ của Honda luôn là mức giá được đề là "tham khảo", hãng không can thiệp vào giá bán của đại lý. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có cơ chế cụ thể để xử lý hay kiểm soát việc các đại lý "đội giá", thế nên cách tốt nhất mà các cơ quan chức năng làm được cũng là đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng là thấy đắt thì chọn hãng khác mà mua thôi.
5. Mức sống của người Việt
Một lý do nghe thì có vẻ rất "Hư Trúc" nhưng thật ra lại "Mộ Dung Phục" chính là việc đội giá một phần đến từ việc các nhà phân phối xe nhận thấy mức sống và thu nhập của người Việt hiện tại đã tăng lên rất nhiều so với các năm trước. Nhìn vào con số thống kê được công bố thì từ năm 2002 đến 2020, trong vòng 20 năm thì GDP (mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam) tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD (gần 85 triệu đồng). Tất nhiên không thể lấy số liệu GDP ra để đánh giá sức mua của thị trường và người tiêu dùng, song đây rõ ràng là điểm minh chứng cho việc, mức thu nhập và đời sống của người Việt Nam đã tăng tiến thế nào. Điều này giúp các nhà phân phối "tự tin" lên giá sản phẩm và tính toán được mức mà người tiêu dùng vẫn có thể chi trả để có lại được sản phẩm ưng ý và an tâm.