5 sự kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam nổi bật năm 2020
- Hồng Ngọc
- Đăng lúc: Thứ năm, 24/12/2020 12:00 (GMT +7)
Dù phải đối mặt với dịch Covid-19 và thiên tai dị thường trong suốt năm 2020, Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng toàn cầu về kinh tế - xã hội.
Việt Nam phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ dị thường trong năm 2020. Vượt qua mọi khó khăn, Việt Nam vươn lên trở thành một điểm sáng trên toàn cầu về kinh tế, ngoại giao nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Kỳ tích khống chế dịch Covid-19
Ngày 23/1, chỉ khoảng một tháng sau khi dịch Covid-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) bắt đầu lan rộng ra thế giới, Việt Nam đã ghi nhận hai ca nhiễm nCoV đầu tiên. Đó là hai cha con du khách người Trung Quốc. Sau đó, nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang tiếp xúc với hai cha con đã trở thành bệnh nhân Covid-19 người Việt đầu tiên.
Trong một tuần, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 được thành lập, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Ban chỉ đạo đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhanh và mạnh theo phương châm: Ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm nhất, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng thật gọn và dập tắt triệt để. Bộ đội biên phòng được tăng cường trên toàn tuyến biên giới đất liền để kiểm soát người nhập cảnh từ cuối tháng 1. Đặc biệt là các đường mòn, lối mở để tránh người nhập cảnh trái phép.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ 1/4 đến hết tháng, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội. Và đến cuối tháng 7, Đà Nẵng cách ly toàn thành phố để đảm bảo dịch bệnh không lây lan rộng. Ngoài ra, nhiều điểm cách ly có quy mô cấp phường, xã cũng được áp dụng biện pháp cách ly. Những người có nguy cơ lây nhiễm đều được cách ly tại các cơ sở do Bộ Quốc phòng quản lý.
Đến cuối tháng 3, Chính phủ dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài và dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước vào đầu tháng 4. Ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI) và ứng dụng cảnh báo người tiếp xúc gần với F0 (Bluezone) được ra đời nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine Covid-19 có tên Nanocovax, thử nghiệm trên người vào tháng 12. Chính nhờ vào những quyết sách hiệu quả, kịp thời từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là người nhập cảnh và có 35 ca tử vong. Điểm này giúp Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi về phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, cũng là đất nước an toàn cho công dân và doanh nghiệp giữa bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới lâm vào khủng hoảng y tế. Nhiều chuyến bay giải cứu người Việt ở nước ngoài đã được thực hiện. Các chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao...ở nước ngoài được tạo điều kiện nhập cảnh đều đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN
Năm 2020, Việt Nam tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng và cạnh tranh giữa các nước lớn. Nhưng dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được các ưu tiên đặt ra cho năm 2020.
ASEAN nhanh chóng thành lập quỹ ứng phó với Covid-19 ASEAN và kho dự phòng vật tư y tế ASEAN với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác. Ngoài ra, ASEAN cũng tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Một trong những thành công nổi bật khi Việt Nam tiếp quản là ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán.
Thiên tai dị thường "trăm năm có một"
Việt Nam phải trải qua năm 2020 với nhiều diễn biến bất thường của thiên tai với 16 loại hình khác nhau. Trong đó, có 13 cơn bão, 264 trận giống lốc và mưa lớn diễn ra ở 49 tỉnh, thành. Từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020, hạn hán mặn kéo dài làm ảnh hưởng 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng hạn hán mặn kéo dài trở thành đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất lịch sử theo nhận xét của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đợt hạn mặn này được cho là 100 năm mới lặp lại, vượt xa năm 2016 về quy mô ảnh hưởng và mức độ thiệt hại.
Khi cả nước đang đồn sức hỗ trợ miền Tây khắc phục hậu quả hạn mặn thì bão lũ bất thường lại xảy ra ở miền Trung. Bắt đầu từ đêm 4/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi mưa lớn đột biến xảy ra, mở đầu cho chuỗi ngày lũ lụt liên tiếp. Trong hơn một tháng từ 11/10 - 15/11, miền Trung đón 8 cơn bão và hai đợt áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn. Ngập lụt kéo dài 15 ngày ở bảy tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam khiến trên 317.000 hộ và 1,2 triệu người bị ảnh hưởng.
Mưa lớn kéo dài trở thành nguyên nhân chính gây ra hàng loạt các vụ sạt lở nghiêm trọng. Chỉ trong vòng nửa tháng đã có 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 2, Thừa Thiên Huế bị vùi lấp; 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh do sạt núi trên đường đến cứu hộ các công nhân ở thủy điện; 22 quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 Quảng Trị bị đất đá vùi lấp. 25 người chết, 15 người mất tích do các ngọn núi ở khu vực Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam đổ sập chôn vùi nhiều khu dân cư.
Năm 2020, thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất là 132 người và do lũ là 108 người. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.000 tỷ đồng.
Lập thành phố Thủ Đức và thành phố Phú Quốc
Ngày 9/12, TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM là "thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 quận 2, 9 và Thủ Đức với 34 phường, rộng 211km2 và có hơn 1 triệu người dân (chiếm 1/10 diện tích và dân số TP.HCM). Đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển.
TP. Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hơn 179.000 người của huyện Phú Quốc hiện nay, trở thành thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam. TP. Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã. Việc thành lập này nhằm thiết lập mô hình quản lý chính quyền đô thị, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực
Dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa để giãn cách xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc làm cho nền kinh tế bị suy thoái, tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển để phục hồi kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3% của Chính phủ là trong tầm tay.
Chính phủ triển khai hàng loạt chính sách cứu trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng để duy trì sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt tăng tốc vào cuối năm, kích cầu tiêu dụng nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu...Theo đánh giá của IMF, năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới với mức tăng 2,4% trong khi toàn cầu sụt giảm 4,4%. ADB và WB cũng nhận định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng được dự báo 2,3 - 2,8%, cao nhất trong khu vực.