5 thói quen xấu cần từ bỏ nếu bạn không muốn càng dọn nhà càng thêm bẩn
- Hạ Vũ
- Đăng lúc: Thứ bảy, 17/07/2021 10:43 (GMT +7)
Một vài thói quen hàng ngày của các thành viên trong gia đình sẽ khiến cho công việc dọn nhà cửa vốn đã không mấy thú vị lại càng thêm phần rối rắm!
Ai trong số chúng ta cũng mong muốn việc dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh nội thất, đồ dùng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một vài thói quen hàng ngày của các thành viên trong gia đình sẽ khiến cho công việc vốn đã không mấy thú vị lại càng thêm rối rắm. Đã đến lúc bạn kiểm tra xem mình có mắc phải các thói quen không tốt dưới đây không, từ đó "tạm biệt" chúng để tránh sự bừa bộn trong nhà!
1. Những hóa đơn và giấy tờ bừa bộn
Mỗi tháng chúng ta có rất nhiều những hóa đơn thanh toán, thư từ, brochure khuyến mãi, tờ rơi quảng cáo,... được gửi về nhà, đó là chưa kể đến nhật báo và tạp chí. Hãy hình dung nếu không có sự sắp xếp rõ ràng cho đống giấy tờ này thì chúng mỗi ngày chất cao như núi không khác gì mớ giấy lộn trên bàn. Ít nhất mỗi tuần 1 lần, bạn hãy tiến hành kiểm tra, phân loại, giấy tờ nào quan trọng cần giữ lại, giấy tờ nào cần loại bỏ để tránh sự lộn xộn không đáng có.
2. Khăn tắm và rèm vải ẩm trong phòng tắm
Việc dồn nhiều chiếc khăn tắm ẩm của các thành viên trên móc treo sau khi dùng hay vứt trong giỏ đồ bẩn mà không đem đi giặt ngay sẽ khiến cho vi khuẩn và nấm mốc có cơ hội phát triển trong điều kiện ẩm ướt. Điều này cũng xảy ra tương tự với rèm vải, phụ kiện được dùng để phân vùng buồng tắm và toilet. Để khắc phục thói quen này, bạn chỉ cần giữ cho phòng tắm thông thoáng, không kéo rèm vải dồn về một phía để tránh ẩm mốc gây mùi hôi, khăn tắm sau khi dùng cần để riêng và giặt sạch sớm.
3. Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa
Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa, chẳng hạn như xà phòng rửa bát, bột giặt, nước xả vải, nước lau sàn,... tất cả những điều này thực sự có hại hơn là có lợi. Nhiều chất tẩy không đồng nghĩa với việc nó làm sạch sâu và nhanh, trái lại nếu lượng dung dịch tẩy rửa dư thừa không được loại bỏ hết trên bề mặt sẽ vô tình biến chúng thành "thỏi nam châm" thu hút bụi bẩn nhiều hơn. Đó là lý do vì sao bạn cần đọc hướng dẫn khuyến nghị liều sử dụng để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và cả nước để rửa sạch chúng.
4. Sử dụng thiết bị bẩn để… làm sạch
Làm sao có thể trông đợi một kết quả làm sạch mỹ mãn khi bạn đang làm sạch đồ đạc bằng một... thiết bị bẩn. Cụ thể, bát đĩa không thể sạch nếu lau chùi bằng miếng bọt biển đầy vi khuẩn, áo quần không thể sạch sẽ nếu máy giặt đã quá lâu chưa vệ sinh kỹ càng. Tương tự, sàn nhà cũng không thể thơm tho nếu lau chùi bằng cây lau sàn ẩm mốc. Việc vệ sinh thiết bị, dụng cụ rất quan trọng nên bạn cần dành thời gian để làm sạch chúng, khử trùng thường xuyên và thay công cụ mới theo định kỳ.
5. Đợi đến khi mọi thứ “quá tải”
Không dọn dẹp tức khắc mà đợi "quá tải" mới bắt tay làm cũng là thói quen không tốt mà nhiều người mắc phải. Chẳng hạn vài ba chiếc bát đĩa của bữa điểm tâm dồn lại đến trưa mới rửa, thậm chí bát đĩa cả ngày dồn lại đến tối… thì chẳng những vi khuẩn có cơ hội sinh sôi mà bạn cũng sẽ “oải” khi rửa bát. Nếu các thành viên trong gia đình cùng ý thức dọn dẹp mỗi ngày, đừng đợi bao rác đầy ắp bốc mùi hay giỏ đồ bẩn tràn ra ngoài, như vậy công việc dọn dẹp vào cuối tuần sẽ không còn quá sức nữa.