7 thực phẩm, vật dụng dù muốn tiện đến đâu cũng đừng bỏ vào lò vi sóng để tránh nguy hiểm
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ năm, 12/05/2022 17:25 (GMT +7)
Trứng tươi, cua biển, nước sốt… đều là những loại thực phẩm mà bạn không nên cho trực tiếp trong lò vi sóng để tránh nguy hiểm và mất chất dinh dưỡng.
Trứng tươi
Trứng là một thực phẩm bổ dưỡng và có cách chế biến đa dạng, đơn giản. Nhiều người cho rằng để tiết kiệm thời gian nấu nướng, bạn có thể cho chúng vào lò vi sóng để làm chín. Tuy nhiên suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm vì trứng dễ vỡ và nhạy cảm với , vì thế thường bị phát nổ khi gặp bức xạ trong lò vi sóng.
Vì thế khi chế biến thực phẩm này, bạn có thể sử dụng các loại nồi hoặc chảo thông thường chứ không nên đặt trong lò vi sóng.
Cua biển và những loại hải sản vỏ cứng
Cua biển thường có lớp vỏ cứng và dày, vì vậy nếu được đun nóng trong lò vi sóng, lớp vỏ đặc biệt này sẽ ngăn không cho hơi nước bên trong thoát ra ngoài và tạo ra áp suất. Khi áp suất đạt đỉnh, hơi nước sẽ phá bỏ lớp vỏ thực phẩm và tạo ra tình trạng phát nổ nghiêm trọng.
Bên cạnh cua biển thì nhiều loại hải sản vỏ cứng khác như nghêu, ốc, sò… cũng không phù hợp để đặt trong lò vi sóng. Không chỉ có khả năng phát nổ, nhóm thực phẩm này còn bị mất chất dinh dưỡng và tạo ra các mùi khó chịu nếu chế biến với lò vi sóng.
Trái cây và rau củ còn vỏ
Với những loại rau củ, trái cây có lớp vỏ dày như cà rốt, khoai tây, nho, táo… nếu đặt trong lò vi sóng khi vẫn còn vỏ sẽ gây ra hiện tượng nứt, vỡ lớp vỏ và dễ gây cháy nổ. Đặc biệt nếu cho nho vẫn còn nguyên vỏ vào lò vi sóng, chúng có thể bị bắt lửa và gây nguy hiểm khi sử dụng.
Với các loại trái cây, rau củ vỏ mỏng hơn là đậu Hà Lan, cà chua, ngô… vì chúng thường có nhiều nước nên dễ bị vỡ ra, khiến lò vi sóng bị bẩn, hỏng thức ăn… nếu chịu áp lực từ nhiệt độ cao trong lò.
Vậy nên để đảm bảo an toàn khi sử dụng lò vi sóng, bạn nên gọt sạch vỏ trái cây, rau củ và đặt chúng vào các khay đựng trước khi dùng.
Nước sốt
Khi được đặt trong lò vi sóng để quay nóng, những món ăn có chứa sốt hoặc nước sốt có thể xảy ra hiện tượng giãn nở các phân tử nước mà không tạo bọt. Điều này khiến nước sốt bị bắn ra gây bẩn và mất vệ sinh cho lò vi sóng. Ngoài ra thì chúng cũng có thể bắn lên người khi được lấy ra ngoài và khiến bạn bị bỏng.
Vì vậy, khi cho các món ăn có chứa sốt hoặc nước sốt vào lò vi sóng, bạn cần sử dụng màng bọc thực phẩm dùng được trong lò để bọc chúng lại trước khi quay nóng.
Ớt
Ớt là một loại thực phẩm có tính cay. Vì vậy nếu được cho vào quay trong lò vi sóng, ớt được kết hợp cùng với nhiệt độ cao bên trong và tạo ra một lượng chất tạo cay capsaixin. Khi chất này bốc hơi và thoát ra ngoài, những người xung quanh có thể sẽ bị cay, mờ mắt hoặc nặng hơn là hỏng mắt nếu không may dính phải khí.
Giấy bạc
Mặc dù thường xuyên được sử dụng khi chế biến các món nướng vì khả năng giữ nhiệt cao, thế nhưng giấy bạc lại nằm trong danh sách những thứ không nên cho vào lò vi sóng.
Khi bọc thực phẩm trong giấy bạc và đặt vào lò vi sóng, sóng vi ba không những không xuyên qua được mà còn có khả năng tạo thành các tia lửa điện và làm cho lò vi sóng bị cháy.
Đồ kim loại
Không chỉ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị, người sử dụng còn có thể gặp nguy hiểm nếu đặt các đồ kim loại vào bên trong lò vi sóng. Khi được đặt trong lò vi sóng, các đồ kim loại có thể gây ra phản xạ sóng, từ đó tạo các tia lửa điện khiến thiết bị dễ hỏng và gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Chính vì lí do này mà trong các hướng dẫn sử dụng đi kèm lò vi sóng, nhà sản xuất luôn khuyến cáo không được đặt các đồ kim loại vào sử dụng trong thiết bị. Ngoài kim loại thì nhiều chất liệu khác như pha lê, nhựa, đất nung cũng cần tránh đặt trong lò vi sóng.