Bác sĩ khổ sở vạch lớp mỡ dày mổ đẻ cho 9X "tạ rưỡi"
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ sáu, 16/10/2020 14:47 (GMT +7)
Sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của chị Trần, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cho chị khi được 37 tuần, lúc này cân nặng của chị là 159kg.
Bệnh viện Đại học Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cho biết, sản phụ là chị Trần Nhiễm (26 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) trước khi mang thai đã bị béo phì với cân nặng hơn 125kg. Cuối tháng thứ 7 của thai kỳ, chị Trần lại phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Dưới sự chăm sóc và quản lý chặt chẽ của bác sĩ chị mới có thể qua tam cá nguyệt thứ 3 một cách ổn định.
Khi lên bàn sinh, chị nặng tới 159kg, cần 7-8 người mới khiêng được lên bàn đẻ.
Vì tiểu đường thai kỳ sẽ làm gia tăng tình trạng sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai nhi quá to, chấn thương trong khi sinh và các bất thường bẩm sinh khác ở thai nhi, do đó các bác sĩ đã thảo luận và quyết định mổ thai lúc 37 tuần cho chị Trần Nhiễm.
Khi mổ đẻ cho chị, vì bàn mổ không đủ cho chị Trần nằm lên nên các nhân viên y tế phải nới rộng giường bằng cách lấy 2 tấm chắn phẫu thuật và cố định chúng ở 2 bên giường. Sau nhiều lần thử nghiệm độ cứng và ổn định của giường, vấn đề đã được giải quyết..
Bên cạnh đó, do lớp mỡ tích tụ quá nhiều khiến bác sĩ gây mê hồi sức rất khó để xác định được đúng vị trí gây tê tủy sống để tiến hành phẫu thuật, vì độ sâu mà máy siêu âm đo được cho chị Trần là 8,5cm nên tiêm theo cách thông thường thì nguy cơ thất bại rất cao.
Sau nhiều suy tính các bác sĩ đành phải đưa mũi kim tiêm dẫn qua ống siêu âm đầu dò để thực hiện thành công việc gây tê cho thai phụ.
Tiếp theo chính là nên mổ dọc hay mổ ngang bởi lớp mỡ bụng của sản phụ cũng rất dày, cuối cùng các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cho chị Trần bằng phương pháp mổ dọc để việc tiếp xúc với thai nhi thuận lợi hơn cũng như vết thương nhanh lành hơn.
Nhưng trong ca mổ này điều nguy hiểm nhất đối với bác sĩ Trương, người thực hiện ca mổ đẻ cho chị, đó là bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu - bệnh lý hình thành khi tĩnh mạch có cục máu đông làm cản trở dòng máu lưu thông trở về tim.
Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, máu tụ di chuyển đến phổi có thể gây tắc mạch phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cuối cùng với sự cố gắng hết mình của đội ngũ y bác sĩ, chị Trần đã hạ sinh một bé trai nặng 5,25kg. Nhưng trọng lượng lớn, bé có triệu chứng hạ đường huyết bẩm sinh và do đó cần lập tức được chuyển tới khoa sơ sinh để điều trị.
Các bác sĩ cho biết, hạ đường huyết có thể khiến trẻ bơ phờ, suy nhược, vã mồ hôi, khó thở, thậm chí co giật, thậm chí có thể gây ra các di chứng thần kinh như chậm phát triển trí tuệ.
Do đó nếu trẻ sơ sinh quá to cũng dễ bị biến chứng như hạ canxi trong máu, vàng da hoặc dị dạng, nhưng may thay trường hợp của chị Trần do được cứu chữa kịp thời nên con của chị đã nhanh chóng bình phục và được xuất viện.