Bác sĩ lưu ý điều mẹ bầu cần biết khi mang thai, sinh con trong mùa dịch
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ năm, 01/07/2021 17:07 (GMT +7)
Với mẹ bầu, các giai đoạn khác nhau trong thai kỳ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được thăm khám thường xuyên.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong bối cảnh Covid-19, nhiều thai phụ e dè, trì hoãn thăm khám. Đó chính là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến những ca sinh bất đắc dĩ. Điều này rất nguy hiểm, vì với mỗi phụ nữ đang mang thai, nếu không được thăm khám thường xuyên, các giai đoạn khác nhau trong thai kỳ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, hiện chưa có bất cứ bằng chứng nào về khả năng dị tật bẩm sinh ở thai nhi có mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai, hoặc sảy thai hay lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai nếu thai phụ nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, nếu đang có bầu bạn không nên quá lo lắng mà bỏ qua việc chăm sóc thai kỳ theo khuyến cáo.
Thay vào đó, thai phụ nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức khỏe, đề kháng để chủ động phòng Covid-19. Đồng thời, nếu không có việc gì cấp thiết thì cần hạn chế ra khỏi nhà, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K, và cần đi khám thai đúng lịch, nhất là các mốc thời gian quan trọng.
Cụ thể, ở ba tháng đầu để xác định vị trí thai, dấu hiệu sống của thai, thai phụ cần đi khám thai lần đầu sau khi trễ kinh 2-3 tuần. Khi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, cần tới bác sĩ để đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe mẹ và kết hợp tính nguy cơ lệch bội nhiễm sắc thể thai liên quan bất thường phổ biến như hội chứng Down (T21), Patau (T13), dị tật ống thần kinh...
Ở ba tháng giữa thai kỳ, mỗi tháng cần khám thai một lần, siêu âm hình thái học thai nhi quý II, xét nghiệm máu để tầm soát đái tháo đường thai kỳ, xét nghiệm nước tiểu mỗi lần khám thai để tránh hoặc trị nếu viêm nhiễm.
Ở ba tháng cuối thai kỳ thai phụ cần tái khám ba mốc đó là vào tuần 29-32 mỗi tuần khám một lần, siêu âm hình thái học thai nhi quý III. Từ tuần 33-35, hai tuần đi khám thai một lần. Tuần 36-40 thai kỳ, mỗi tuần cần khám thai một lần.
Với những người có thai kỳ nguy cơ cao như trường hợp đa ối, thiểu ối, thai nhỏ, thai lớn bất thường, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, suy giáp, cường giáp, bệnh tim mạch..., bác sĩ sẽ chỉ định, thay đổi lịch khám thai sẽ thay đổi để theo dõi sát hơn sức khỏe mẹ và bé.
Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự sinh mà không thấy chuyển dạ... thai phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Nếu có dấu hiệu như sốt, ho, khó thở, tức ngực..., thai phụ cần thống báo ngay cho y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.