Bạch hầu tăng trở lại ở Đắk Lắk

Các ca bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk đều là người dân tộc thiểu số và nằm trong vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận thêm nhiều trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Hiện các cơ quan chức năng đang lo lắng vì có nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Theo ông Phạm Phú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lắk, khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu đó là các ca bệnh đều không có yếu tố dịch tễ liên quan và xuất hiện đơn lẻ tại những thôn, buôn khác nhau, khiến cho ngành y tế phải chạy theo các ổ dịch để khoanh vùng dập dịch.

Huyện Lắk là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất hiện bệnh bạch hầu, trong số đó, có 2 trường hợp đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì có chuyển biến nặng, 7 ca còn lại được điều trị tại Trung tâm y tế của huyện.

Bạch hầu tăng trở lại ở Đắk Lắk.

Trung tâm y tế huyện Lắk đã thành lập một khu điều trị bệnh bạch hầu riêng biệt trong Khoa Nội - Nhi - Nhiễm để tránh lây chéo. Tính đến hiện tại 6/7 bệnh nhân đã xuất viện. Bệnh nhân thứ 7 cũng đã có kết quả âm tính với vi khuẩn bạch hầu 2 lần.

Theo ông Phú Anh, hiện huyện Lắk đã hoàn thành việc tiêm chủng tại 3 xã đầu tiên xuất hiện dịch, với khoảng 40 nghìn liều vắc xin đã được tiêm cho 20 nghìn người dân ở 3 xã này, đạt tỷ lệ trên 90%.

Ông cũng cho biết, thời gian tới huyện Lắk dự định sẽ tiêm cho người dân ở 3 xã Krông Nô, Earbin và Nam Ka. nhưng vì mới xuất hiện thêm 3 ca bệnh tại xã Đắk Nuê và Nam Ka nên kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu phải thay đổi.

Theo thống kê đến tháng 10, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 48 ca bệnh bạch hầu tại 6 địa phương và đều là người dân tộc thiểu số và nằm trong vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Do đó, để đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội và đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bài liên quan

News feed