Bánh Tổ, món bánh không thể bỏ lỡ trong mỗi dịp Tết cổ truyền của người Trung Quốc
- Qiu Chen
- Đăng lúc: Thứ tư, 20/10/2021 14:07 (GMT +7)
Bánh Tổ là một trong những món ăn hấp dẫn thường xuyên xuất hiện trong bàn ăn ngày đầu năm mới ở Trung Quốc.
Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Ngoài những món ăn thường thấy trên bàn ăn ngày Tết như mì trường thọ, sủi cảo… thì người Hoa còn có món bánh Tổ vừa dân dã, ý nghĩa lại không kém phần thơm ngon cho bữa ăn năm mới.
Ý nghĩa của cái tên bánh Tổ (年糕)
Theo tương truyền, trước đây ở một làng nọ xuất hiện con quái vật tên là Nian, sống trên đỉnh núi cao. Cứ mỗi khi mùa đông đến, khi các loài động vật khác bước vào mùa ngủ đông, con quái vật không thể kiếm được thức ăn, nó bắt đầu xuống núi và khiến người dân trong làng lo sợ. Bằng trí thông minh của mình, một thanh niên trong làng đã nghĩ cách làm những chiếc bánh bằng gạo nếp rồi để ở cửa nhà dụ con quái vật.
Đúng như dự đoán, khi vào nhà nhưng không tìm được ai để ăn thịt, con quái vật đói quá và đành phải ăn chiếc bánh này. Thế nhưng vì bị nghẹn nên nó đã nhanh chóng bỏ lên núi tìm kiếm những con thú khác và không còn xuất hiện tại ngôi làng này nữa. Từ đó về sau, cứ mỗi khi đông về, người dân trong làng lại làm chiếc bánh này để ăn mừng thoát được con quái vật và đặt tên cho nó là “Nian Gao”.
Ngoài ra, trong tiếng Trung, “Nian” có nghĩa là chất dính, “Gao” là bánh, “Nian Gao” được hiểu như một loại bánh làm từ gạo nếp và khá dính. Chính vì vậy người Trung Quốc thường ăn loại bánh này dịp đầu năm với mong muốn các thành viên trong gia đình luôn gắn bó và đoàn kết với nhau.
Cách làm bánh Tổ Trung Quốc
Mặc dù chỉ sử dụng những nguyên liệu dễ chuẩn bị như bột nếp, đường, gừng tươi… thế nhưng để làm một chiếc bánh Tổ ngon, người làm bánh phải chuẩn bị nguyên liệu vô cùng cẩn thận. Loại gạo nếp làm bánh phải là loại ngon để khi xay thành bột, nguyên liệu này vẫn đảm bảo được độ dẻo, thơm vốn có.
Sau khi sử dụng đường nấu cùng gừng và nước lọc, bạn sẽ có một hỗn hợp nước đường gừng đẹp mắt để đem khuấy cùng bột bánh. Hỗn hợp sau khi khuấy đều sẽ có độ dẻo nhất định thì được đặt vào các khuôn và đem đi hấp cách thuỷ từ 30 đến 40 phút. Khi lấy bánh ra khỏi xửng hấp, người làm bánh sẽ nhanh tay rắc lên bề mặt một lớp mè để mè dính chặt vào bánh và có hình dáng bắt mắt hơn.
Người Trung Quốc thưởng thức bánh Tổ như thế nào?
Tuỳ vào phong tục, tập quán của từng vùng mà người Trung Quốc sẽ thưởng thức món bánh Tổ theo những cách khác nhau. Bánh Tổ của người Thượng Hải thường có màu trắng và có thể cắt nhỏ rồi cho vào các món xào hay nấu canh. Nếu như người Bắc Kinh thường được thêm vào bánh Tổ táo tàu, kỷ tử… thì người Phúc Kiến lại sử dụng bột gạo và khoai môn để làm bánh. Đặc biệt, cách thưởng thức bánh của Phúc Kiến cũng khá độc đáo, ngoài việc cắt nhỏ ra trước khi ăn, họ còn đem bánh đi tẩm bột ngô, sau đó nhúng qua trứng gà và rán lên…
Hiện nay, bánh Tổ được bày bán quanh năm trong hầu hết các khu chợ ở Trung Quốc và được sử dụng như một món quà để đem đi biếu hoặc tặng bạn bè. Dù cách chế biến, hình dáng hay cách thưởng thức bánh Tổ có nhiều sự thay đổi, thế nhưng hương vị và ý nghĩa của loại bánh này vẫn luôn được người Trung Hoa giữ gìn và tự hào.
Nếu có dịp ghé thăm Trung Quốc, bánh Tổ là một loại bánh ngọt dân dã, lạ miệng mà bạn nhất định phải thưởng thức để cảm nhận được hết hương vị ngọt ngào của nó.