Biên kịch "Thương ngày nắng về" thanh minh cho tập phim "cẩu huyết" tối 17/5
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ tư, 18/05/2022 11:07 (GMT +7)
Thu Thủy - Trưởng nhóm nội dung "Thương ngày nắng về" - phải lên tiếng giải thích cho tập 20 phát sóng tối 17/5 sau phản ứng gay gắt của khán giả.
Tập 20 phần 2 Thương ngày nắng về vừa lên sóng tối qua đã tạo ra những bàn tán trái chiều trên các diễn đàn yêu phim Việt. Không ít khán giả vì quá yêu thương và đồng cảm với những đau khổ và bất hạnh mà Vân Khánh (Lan Phương vào vai). Mặc dù bị chị chồng giở trò, bị mẹ chồng khoa ngoắt gán cho vết nhơ là người phụ nữ lăng loàn, trắc nết, nhưng bất công lớn nhất đối với cô chính là sự nhu nhược và ánh mắt hoài nghi của chồng. Kể cả khi Vân Khánh có đau khổ níu kéo chút niềm tin cuối cùng bằng kết quả xét nghiệm chứng minh bản thân bị chuốc thuốc mê nhưng Đức vẫn trống rỗng, thể hiện thái độ chán nản, thất vọng ra mặt với người phụ nữ đã "đầu ấp tay gối" với mình trong suốt một thời gian dài.
Trên các diễn đàn mạng, không ít những ý kiến trái chiều được đông đảo người xem đưa ra. Có người kêu gọi đồng đội xin vài phút vào phim để xử lý Đức - ông chồng nhu nhược, bà Thương - người chị chồng xảo trá... Lại có người vì tức quá không thể làm gì nên đã không thể kiểm soát được hành động của bản thân:
- Ngay lúc này chỉ muốn chửi thề với Đức thôi. Đàn ông gì mà lại hèn đến thế là cùng.
- Xem tức quá ném điều khiển vỡ*** màn hình tivi.
- Em tức quá phải đánh chồng đây...
Theo dòng cảm xúc, biên kịch Thương ngày nắng về cũng có những chia sẻ về nhân vật Vân Khánh cũng như việc đón nhận những phản ứng của khán giả về đứa con tinh thần này.
Trên trang cá nhân, biên kịch Nguyễn Thủy cho biết ngay từ những ngày dựng phim, đến cả đạo diễn Bùi Tiến Huy cũng không thể chịu đựng được mà bất bình thay cho nhân vật trong phim. "Đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân mình, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kì xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực… Cho dù chúng mình có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả?", nữ biên kịch tâm sự.
Trong bài viết dài của mình, biên kịch Thương ngày nắng về đã có những trải lòng hiếm hoi về nhân vật Vân Khánh. Cô cho biết, Vân Khánh không phải là người phụ nữ hoàn hảo không xuất sắc như Vân Trang không ngây thơ như Vân Vân nhưng cô là một người mẹ, một người phụ nữ luôn đặt hạnh phúc của các con lên trên tất cả. "Nếu không ở bước đường cùng, cô ấy cũng sẽ vẫn vì những đứa con mà ở trong vũng lầy cuộc đời mình, dù nó tăm tối và ngạt thở đến đâu đi nữa".
>>> Xem thêm: Diễn viên 'Thương ngày nắng về' tiết lộ loạt biến cố khủng khiếp hơn với Vân Khánh sắp lên sóng
Theo lời của biên kịch Nguyễn Thủy, chính những biến cố và những đau khổ mà Vân Khánh phải chịu đựng chính là động lực lớn giúp cô có thể bước qua được hình ảnh của chính bản thân mình trong quá khứ. Hành trình của Vân Khánh đầy những trầy xước và gian truân nhưng suy cho cùng đó cũng là nỗi đau từ chính đôi vợ chồng không thể cân bằng được cuộc sống gia đình. Là một người vợ mãi không thể sắp xếp cuộc sống, là người chồng người cha mãi không thể trưởng thành để mang đến hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ của mình. Và đương nhiên, tất cả những tác nhân từ mẹ chồng hay chị chồng cũng chỉ là giọt nước tràn ly, giúp cả hai nhận ra những rạn nứt trong gia đình của mình.
"Trường đoạn dài về số phận Khánh, là trường đoạn nhóm biên kịch đã viết rất cảm xúc. Đó là những đoạn dài, nặng nề uất ức, và khi làm về giai đoạn này, bản thân mình cũng nặng lòng, có lúc muốn phát điên. Khi Khánh bị oan ức, khi Khánh ly hôn, khi Khánh thấm thía hậu ly hôn, khi cô ấy ngẩng lên trời và gào lên: “Ông trời, ông có mắt không! Nếu như ông có mắt thì mắt ông bị mù rồi…”, biên kịch dự án phim Thương ngày nắng về tâm sự.
Cuối những dòng tâm thư xúc động của mình, biên kịch Nguyễn Thủy cho biết hơn hết tất cả những người làm phim đều hy vọng qua những câu chuyện và biến cố mà mình xây dựng cho nhân vật có thể giúp mọi người trân trọng hơn những yêu thương, yên bình trong cuộc sống thực tại.
Nguyên văn chia sẻ của biên kịch Thương ngày nắng về:
"Trong mười mấy năm làm nghề, mình không có nhiều những thời điểm lo lắng đến thế, khi một tập phim phát sóng.
Vì mình biết kịch bản thế nào, vì đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân mình, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kì xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực… Cho dù chúng mình có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả???
Năm ngoái, trong lúc chạy chuyện, nhóm nội dung bàn tình huống với nhau, khi đến đây thì có phần khựng lại, nói thế này thì thương cho Khánh quá. Đêm ấy, mình nghĩ về Khánh thôi, đã chảy cả nước mắt.
Vậy rồi thì có làm không?
Cân nhắc, bàn luận, phân tích. Rồi chúng mình vẫn làm.
Khi bị phản ứng vì sự quá quắt trong vai bà mẹ chồng, cô Hương Bông nói “quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, muốn thể hiện vai diễn cũng phải thật đến nơi đến chốn”.
Chúng mình đồng cảm với cô Hương Bông vô cùng, và mình tin những người làm nghề cũng sẽ có nhiều chia sẻ với điều đó. Trong cuộc sống và cả trong nghề nghiệp nữa, cái cụm từ “đến nơi đến chốn” tưởng như nhẹ tựa lông hồng vậy thôi, nhưng thật ra, nó luôn luôn là những lựa chọn không dễ dàng gì. Để không thành kẻ đẽo cày giữa đường, để không thành gió chiều nào che chiều ấy, thì rõ ràng, một người làm nghề cũng cần phải dần làm quen với lời chỉ trích, dù với câu chuyện, hay với nhân vật, hay là chính bản thân mình.
Đi đến cùng nỗi bất hạnh của một người phụ nữ như Khánh, không phải đợi khi khán giả phản ứng là “này các bạn làm quá rồi”, thì chính chúng mình cũng đã luôn đặt câu hỏi “có nhất thiết thế này không?” “liệu có lựa chọn khác không?”, vì hơn ai hết, thứ chúng mình mong muốn là một câu chuyện đến được yêu thương, được đồng cảm, được ủng hộ chứ không phải là phản đối hay chê trách.
Nhưng là một người làm nghề, chúng mình cũng muốn khai thác tới cùng, muốn “tới nơi tới chốn”, muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng.
Có một kỉ niệm mình không quên hồi làm “Hoa hồng trên ngực trái”. Khi đó, phim vừa viết kịch bản, vừa quay, vừa phát sóng, diễn viên cũng chưa biết kết thúc câu chuyện sẽ thế nào thì có một ngày anh Khoa gọi điện cho mình, rất lo lắng. Anh nói Hồng Diễm đọc đến đoạn Khuê phát hiện ra cô ấy có bầu, thì Diễm không đồng ý.
Bối cảnh lúc đó, Khuê đang đối diện việc chồng ngoại tình, cô bồ đã có thai, chồng thì muốn ly hôn. Hồng Diễm nói rằng, nếu cứ triển khai theo hướng đó, cô ấy không muốn đóng tiếp vai Khuê nữa, cô ấy sợ vì đứa trẻ, Khuê tiếp tục cuộc đời tăm tối bên cạnh Thái.
Mình lúc đó cực kì bất ngờ, và cũng rất thú vị với Hồng Diễm, vì không phải diễn viên nào cũng có quan điểm rõ ràng về nhân vật như vậy. Sau đó, mình có trao đổi rất cụ thể với Diễm, cả điện thoại, lẫn email, lí do vì sao nhóm biên kịch tạo dựng tình huống như thế.
Và, một trong những lí do quan trọng nhất, chính là vì Khuê là người phụ nữ quí trọng hôn nhân, là người mẹ khát khao giữ cho con mình có bố mẹ đủ đầy, nếu không đẩy cô ấy đến tận cùng tuyệt vọng (khi đứa con trong bụng cũng mất đi), khi mọi cơ hội níu kéo hôn nhân đều bị chặt đứt, thì thật khó để người phụ nữ như cô ấy có can đảm bước ra vũng lầy cuộc đời mình.
Thứ chúng mình muốn khai thác, là sức mạnh của sự tuyệt vọng.
Khánh, ở khía cạnh nào đó, cô ấy giống Khuê. Nếu không ở bước đường cùng, cô ấy cũng sẽ vẫn vì những đứa con mà ở trong vũng lầy cuộc đời mình, dù nó tăm tối và ngạt thở đến đâu đi nữa.
Ta có thể trách người phụ nữ nhu nhược, kém cỏi, hèn mọn trong cuộc sống, đôi khi mất đi cả lòng tự trọng. Nhưng ở khía cạnh khác, thì ta cũng biết, không phải vì họ không coi trọng bản thân, mà chính là, họ đã coi trọng hạnh phúc con mình cao hơn tất thảy.
Dù, điều đó có thực sự đúng đắn không, có phải là lựa chọn tốt nhất không, thì lại là một câu chuyện rất khác.
Khánh, chưa bao giờ là người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy đầy vấn đề, đầy thiếu sót, luôn loay hoay với việc sắp xếp cuộc đời mình.
Nhưng có một thứ cô ấy trọn vẹn và đẹp đẽ, là tình yêu thương với 2 đứa con, là ước ao cho chúng một sự đủ đầy thương yêu nhất.
Trường đoạn dài về số phận Khánh, là trường đoạn nhóm biên kịch đã viết rất cảm xúc. Đó là những đoạn dài, nặng nề uất ức, và khi làm về giai đoạn này, bản thân mình cũng nặng lòng, có lúc muốn phát điên. Khi Khánh bị oan ức, khi Khánh ly hôn, khi Khánh thấm thía hậu ly hôn, khi cô ấy ngẩng lên trời và gào lên: “Ông trời, ông có mắt không! Nếu như ông có mắt thì mắt ông bị mù rồi…”
Hành trình của Khánh, gian truân, trầy xước, và chúng mình, người tạo ra những vết thương cho nhân vật, không dễ dàng gì. Khi yêu câu chuyện của mình, yêu nhân vật của mình, thì nỗi đau của nhân vật, chúng mình chính là những người trải nghiệm đầu tiên.
Khánh không ưu tú như Trang, không ngây thơ như Vân, ở khía cạnh nào đó, Khánh là mẫu phụ nữ phổ thông nhất trong đời sống, với những vấn đề thường nhật nhất. Viết về Trang thì thách thức, vì Trang ưu tú (mà nhóm biên kịch thì không), viết về Vân thì luôn cần tiết chế và cân bằng để đúng độ tuổi, còn viết về Khánh, thật sự với riêng mình và nhóm biên kịch, là sự đồng cảm lẫn đau lòng.
Rất lâu rồi, mình mới có cơ hội làm một dự án như trong “Thương ngày nắng về”, khi một cặp đôi ly hôn không phải vì hết yêu, không phải vì người thứ ba nào cả. Vì, giặc bên Ngô ác như con tê giác mắt lác và bà mẹ chồng kinh khủng hoảng tởm, nhưng, không phải chỉ có thế; mà trước hết, còn vì ở đó, có một người chồng mãi không trưởng thành và một người vợ không biết thu xếp, cân bằng cuộc sống đầu tiên.
Giọt nước tràn ly có to thế nào đi chăng nữa, thì lý do lớn nhất, vấn đề lớn nhất, vẫn luôn nằm ở 2 đương sự, những người chịu trách nhiệm, những người lãnh hậu quả, và những người trả giá khi hôn nhân tan vỡ.
Những phẫn nộ, những chỉ trích, những đồng cảm, những góp ý, những đòi hỏi của khán giả, cả nhóm nội dung cũng như ekip làm phim thực tâm đón nhận. Vì, chúng mình là những người làm nghề, chúng mình không hề muốn bỏ qua cơ hội để có thể hiểu khán giả hơn, cũng như nhìn nhận và suy nghĩ nhiều hơn về công việc của chúng mình trong cách xây dựng tình huống.
Đây là dự án dài hơi nhất của mình, cũng như ekip, và hành trình của bà Nga béo cùng những đứa con sẽ còn nhiều thử thách. Nhưng như một câu hát “Qua dầm dề mưa tuyết, mới Thương ngày nắng về”, mình hi vọng những sóng gió đến với câu chuyện và nhân vật của chúng mình, chỉ là những phản chiếu cụ thể để từ đó, ta biết trân trọng hơn những yêu thương, yên bình trong cuộc sống.
Cảm ơn các bạn đã THƯƠNG, đã yêu, đã xót xa, phẫn nộ, đã yêu cầu và đòi hỏi với Ngày nắng về, ở khía cạnh nào, chúng mình cũng luôn thấy đó là động lực để cố gắng và hoàn thiện nhiều hơn cho chặng đường sắp tới!".
Thương ngày nắng về là bộ phim tâm lý, tình cảm gia đình. Lên sóng từ 15/11/2021, với đề tài gần gũi, dàn diễn viên ấn tượng, dự án của đạo diễn Bùi Tiến Huy nhanh chóng "làm mưa làm gió" khung sóng giờ vàng VTV3.
Thương ngày nắng về với nội dung xoay quanh câu chuyện gia đình bà Nga - một người phụ nữ tảo tần suốt đời nặng gánh nhẹ gánh vì ba cô con gái: Vân Khánh, Vân Trang, Vân Vân. Cô chị cả Vân Khánh dù lấy chồng nhưng với những lo toan vất vả của cuộc sống và gia đình cô đành nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ đẻ. Vân Trang không phải là con gái ruột của bà Nga nhưng lại được người phụ nữ này yêu thương chẳng khác con đẻ. Từ nhỏ đến lớn điều cô gái này bận tâm nhất là việc tìm ra nguyên nhân tại sau ngày xưa mình lại bị bỏ lại và mẹ đẻ sau rất nhiều năm cũng không quay lại tìm cô. Người con gái út Vân Vân là người khiến bà Nga lo lắng hơn cả. Thừa hưởng đam mê hội họa từ người cha quá cố. Vân chẳng hề có hứng thú với việc học ngành ngân hàng của mình chính vì thế cô gái này thường xuyên bỏ học, theo đuổi đam mê và làm việc tại quán cafe của Đông Phong.
>>> Xem thêm review trọn bộ phim Thương ngày nắng về: