Ca sĩ Lệ Thu - Giọng ca lẫy lừng và một đời truân chuyên
- ThanhPham
- Đăng lúc: Chủ nhật, 17/01/2021 09:32 (GMT +7)
Nhắc đến làng nhạc Việt Nam những năm trước giải phóng 1975, cái tên Lệ Thu sánh ngang với Thái Thanh hay Khánh Ly đã làm mê đắm bao con tim người yêu nhạc.
Những thính giả yêu nhạc, nhất là dòng nhạc trữ tình, khi nhắc đến danh ca Thái Thanh sẽ nghĩ tới nhạc sĩ Phạm Duy, nói về Khánh Ly là nhắc đến những bài ca bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn nói về ca sĩ Lệ Thu, công chúng không thể gọi ra một cái tên nhạc sĩ cụ thể. Bởi lẽ, Lệ Thu hát nhạc của tất cả những nhạc sĩ tài danh đều xuất sắc, dù là nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Trường Sa, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên... Lệ Thu ghi dấu đậm nét trên bầu trời nghệ thuật ca vũ bằng giọng hát ngọt ngào pha chút buồn man mác khôn nguôi, như nghệ danh của bà.
Con đường đến với âm nhạc tình cờ như số phận sắp đặt
Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Gia đình bà có 8 anh chị em nhưng đều không may mất sớm, chỉ còn lại mình bà theo mẹ vào miền Nam sinh sống năm 1953.
Tại Sài Gòn, Lệ Thu cũng có mặt trong ban thiếu nhi của nhạc sĩ Ngọc Bích mang tên Tuổi Xuân, gồm có các tên tuổi mà sau này đều trở thành những giọng ca lớn là Mai Hương, Khánh Ly, Quỳnh Giao.
Ca sĩ Lệ Thu từng nói rằng cô là người may mắn trong con đường làm nghệ thuật. Việc cô bén duyên với âm nhạc là một sự tình cờ. Năm 1959, khi vẫn còn đang là một nữ sinh trung học Pháp tại trường Les Lauriers, Lệ Thu đi ăn sinh nhật người bạn tổ chức tại phòng trà Bồng Lai. Bạn bè đề nghị cô biểu diễn góp vui và ca khúc được Lệ Thu chọn biểu diễn hôm đấy là bài Tà Áo Xanh, không ngờ ông chủ của phòng trà Bồng Lai đã rất yêu thích và nhận ra tiềm năng của một ngôi sao ở cô nên đã đề nghị mời cô hợp tác với phòng trà.
Nhưng vốn dĩ mẹ Lệ Thu không thích con gái theo con đường ca hát chuyên nghiệp, vì thế thời gian đầu bà phải giấu mẹ đi hát lén lút. Mỗi tối bà giả vờ đi học để đến phòng trà hát khoảng 2 – 3 bài trong vòng 1 tiếng rồi về, khi ấy thù lao phòng trà trả cho bà đã rất hậu hĩnh bởi khán giả hết sức yêu thích giọng ca trong trẻo của cô nữ sinh nhỏ tuổi.
Một thời gian sau, việc đi hát của bà bị mẹ phát hiện. Người mẹ liền cấm cửa không cho con gái đến phòng trà nữa. Bất đắc dĩ, ông chủ phòng trà Bồng Lai phải đến tận nhà thuyết phục và mời mẹ Lệ Thu đến nghe cô hát. Khi tận mắt thấy niềm đam mê trên sâu khấu của con gái cùng sự cổ vũ nhiệt liệt của người hâm mộ, mẹ Lệ Thu mới đồng ý cho bà theo con đường nghệ thuật
Nghệ danh định mệnh như vận vào chính cuộc đời và những mốc son sự nghiệp lẫy lừng
Thủa mới lên sân khấu lần đầu tiên, khi bầu sô hỏi bà muốn lấy nghệ danh là gì, cô nữ sinh Bùi Thị Oanh không ngần ngại mà nói cái tên "Lệ Thu", chữ "Lệ" trong nước mắt và chữ "Thu" của mùa thu, một cái tên thật đẹp những cũng thật buồn và chất chứa u sầu. Không ngờ, cái tên đã vận vào mệnh người ca sĩ cũng như chính những tác phẩm xuất sắc nhất mà bà thể hiện sau này, khi có rất nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca là về mùa thu như "Nước mắt mùa thu", "Thu hát cho người", "Mùa thu chết"...
Sau phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với nhiều phòng trà và sân khấu ca nhạc nổi danh nhất thời bấy giời như Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, vũ trường Tự Do hay phòng trà Queen Bee.
Thời gian đầu đi hát, Lệ Thu chủ yếu hát nhạc ngoại quốc. Những nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên bà biểu diễn là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có thể nói không ngoa rằng, trước Khánh Ly thì Lệ Thu chính là nữ ca sĩ hát nhạc Trịnh xuất sắc và nhiều nhất, từ những ca khúc như Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Lời Thánh Buồn đến Diễm Xưa… Thậm chí khi Trinh Công Sơn sáng tác Hạ Trắng thì Lệ Thu chính là ca sĩ đầu tiên ông mời thu âm ca khúc vào đĩa nhựa.
Bên cạnh nhạc Trịnh Công Sơn, Lệ Thu còn đặc biệt ưa thích trình diễn các ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến hay Ngô Thụy Miên… Danh tiếng của Lệ Thu ngày càng nổi tiếng, bà trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn và được báo giới ưu ái phong danh hiệu “nữ hoàng phòng trà”. Nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu ca “Ngậm Ngùi” đã phải viết một bài báo ca tụng cô có giọng quý như “vàng mười”, đắt giá và không chút tạp âm.
Khi đó, độ phủ sóng của Lệ Thu trong thị trường ca nhạc miền Nam là vô cùng dày đặc. Dà tham gia chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội và Mẹ Việt Nam, nhận thu âm cho nhiều băng nhạc danh tiếng như hãng đĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Capitols.
Bà là ca sĩ được săn đón và có nhiều đêm diễn thành công tại các chương trình như Shotguns, Phạm Mạnh Cương, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Việt Nam, Cỏ May-Duy Khánh, Song Ngọc, Siêu Âm, Bảo Thu, Mây Hồng…
Nổi tiếng nhất là băng nhạc Sơn Ca 9 hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đưa bà lên đỉnh cao sự nghiệp ca hát. Sau này, bà cùng với chồng lúc đó là ký giả Hồng Dương cũng thành lập hãng băng riêng của gia đình và cho ra đời nhiều album thành danh khác. Sau khi miền Nam giải phóng năm 1975, bà từng có ý định sang Mỹ nhưng đổi ý. Về sau bà gia nhập đoàn kịch Kim Cương trình diễn những ca khúc nhạc mới và ghi dấu với các bài Tự Nguyện, Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng.
Tình duyên lận đận và cuối đời sống xa quê hương bản xứ
Lệ Thu là một nghệ sĩ lận đận về tình duyên. Dù rất thành công ở âm nhạc nhưng hôn nhân của bà không mấy suôn sẻ. Bà từng 3 lần đổ vỡ hạnh phúc. Người chồng đầu tiên của bà là một du học sinh từ Pháp trở về, cuộc hôn nhân kết thúc chỉ sau 2 tháng vì những bất đồng không thể hàn gắn.
Năm 1963, bà kết hôn lần 2 với một Việt kiều. Sau khi kết hôn, bà mới phát hiện chồng mình đã có vợ con. Chấp nhận chung sống được 7 năm và có 2 con gái, nhưng chồng bà không ngừng lăng nhăng khiến bà một lần nữa quyết định ly hôn.
Lần thứ ba, Lệ Thu lên xe hoa với nhà báo Hồng Dương và có thêm một con gái. Cuộc hôn nhân tưởng như viên mãn này kéo dài được 10 năm thì chấm dứt vì ông Dương có nhân tình. Lệ Thu lại quay lại đời sống độc thân và bà không có ý dịnh kết hôn thêm lần nào nữa.
Có thể nói, nghệ danh "Lệ Thu" và bài hát "Dang dở" như vận vào cuộc đời bà - nhiều lỡ làng và lắm nỗi buồn. Cuộc đời truân chuyên trong tình cảm của Lệ Thu cũng là cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ. Các nhạc sĩ tài danh thời bấy giờ viết nhạc tặng bà rất nhiều, tiêu biểu như Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa, Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn.
Tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California. Trên đất Mỹ, Lệ Thu tiếp tục đi hát và thu âm trong rất nhiều băng đĩa nhạc tại hải ngoại. Từ năm 2007, bà bắt đầu trở về nước để biểu diễn cho đến nay.
Những ngày qua, tin tức danh ca Lệ Thu mất tại Mỹ vì Covid-19 đã để lại nỗi buồn và sự tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng yêu nhạc. Lệ Thu đã ra đi nhưng những di sản âm nhạc mà bà để lại sẽ mãi còn bất diệt, như một nhạc sĩ từng nhận xét: "Lệ Thu, một trong những giọng hát tình khúc hay nhất mọi thời đại của nền Tân nhạc Việt Nam".