Cách nấu chè cốm thơm ngon, dẻo mịn lại chuẩn vị Hà Thành không kém gì ngoài hàng
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ ba, 15/02/2022 20:33 (GMT +7)
Chè cốm thơm dẻo, sền sệt, lại ngọt thanh, cùng cách nấu vô cùng đơn giản, nhanh chóng, chắc chắn sẽ là một món ăn vặt dành riêng cho những ai hảo ngọt.
1. Chè cốm - thức chè hấp dẫn lại thanh mát, bổ dưỡng của người Hà Nội
Chè cốm là một món ăn lâu đời và nổi tiếng của người dân hà Nội. Với sắc màu xanh tươi, bắt mắt cùng với vị ngọt thanh, dịu dàng và mùi hương tự nhiên từ cốm, món chè này đã khiến cho không biết bao nhiêu người phải say đắm ngay từ lần thường thức đầu tiên.
Món chè này mặc dù ngon và hấp dẫn đến thế, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến để làm sao cho ngon, thơm mà lại không sợ bị vữa hay ngọt lợ. Vậy trong bài viết này, 2Đẹp sẽ giới thiệu đến các bạn cách nấu chè cốm thơm dẻo tại nhà cực đơn giản lại không tốn quá nhiều thời gian vào bếp nhé. Bắt đầu thôi nào!
2. Cách nấu chè cốm cực đơn giản tại nhà
Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu chè cốm tại nhà
- Cốm khô: 150 - 200 gram
- Bột sắn dây: 50 gram
- Đường phèn: 200 gram
- Lá dừa: 1 bó nhỏ
- Nước cốt dừa: 1 lon
Công thức nấu chè cốm thơm ngon, hấp dẫn khiến ai cũng thích thú
Bước 1: Làm sạch các nguyên liệu
- Cốm khô sau khi mua về, bạn hãy đem rửa đi thật sạch. Sau đó, ngâm cốm cùng với nước lạnh trong vòng 10 phút cho tới khi cốm được mềm bớt thì vớt ra ngoài. Xả lại cốm cùng với nước lạnh thêm một lần nữa rồi để riêng cho ráo bớt nước.
- Bột sắn dây đem hòa cùng với một chút nước lạnh để cho tan.
- Lá dứa đem đi rửa sạch, vẩy cho ráo bớt nước rồi cắt ra thành những đoạn nhỏ. Tiếp đó, bạn hãy cho toàn bộ lá dứa vào trong chiếc máy xay sinh tố, xay cùng với chừng 1 lít nước. Sau đó, bạn hãy vắt kiệt lấy nước cốt lá dứa rồi bỏ đi phần bã.
Bước 2: Chế biến chè cốm
- Đường phèn bỏ vào trong một chiếc xoong, sau đó nấu cho tới khi đường được chảy ra hết thì đổ vào thêm chừng 20ml nước lọc nữa rồi khuấy lên thật đều.
- Nước cốt lá dứa đổ vào xoong và nấu với mức lửa vừa. Khi bạn thấy nước cốt được sủi bọt lăn tăn thì bạn hãy thả cốm đã ngâm mềm vào nhé. Tiếp tục nấu chín cốm cho tới khi nước sôi trở lại thì bỏ vào nồi thêm ⅓ thìa cà phê muối rồi khuấy lên thật đều tay.
- Sau đó, bạn hãy đổ chung nước đường và nước bột sắn vào trong nồi. Dùng đũa để khuấy lên thật đều tới khi thấy chè được sánh, sệt, không bị loãng hay không bị dính ở phía dưới đáy nồi. Cứ tiếp tục khuấy nồi chè như vậy và nếm xem chè đã vừa với khẩu vị của gia đình mình hay chưa. Nếu như chè vẫn bị nhạt, bạn hãy bỏ vào thêm một chút đường, đợi nấu sôi trở lại thì tắt bếp và nhấc nồi ra ngoài.
3. Lưu ý khi nấu chè cốm tại nhà
- Bạn nên lựa chọn những hạt cốm ngon, có mùi thơm từ lúa non thì khi thưởng thức mới cảm nhận được độ bùi, dai nhé. Bạn không nên lựa mua những hạt cốm mà có màu xanh đậm hay mơn mởn vì đây có thể là những hạt cốm đã bị nhuộm màu, ăn không tốt cho sức khỏe.
- Trong quá trình nấu chè, bạn nhớ hớt hết phần bọt trắng nổi lên trên bề mặt nhé.
- Bột sắn khi đổ vào, bạn hãy đổ từ từ, vừa đổ vừa khuấy đều theo một chiều nhé.
Chè cốm khi nấu xong sẽ có hương thơm hấp dẫn, nóng hổi quyện giữa cốm non và lá dứa. Mỗi thìa chè có độ ngọt thanh, hạt cốm dẻo dẻo, đảm bảo ai khi thưởng thức cũng sẽ gật gù khen ngợi. Chúc các bạn thành công với cách nấu chè cốm được chia sẻ ở phía trên và có bữa ăn ngon miệng cùng với gia đình, người thân của mình.