Cách sơ cứu khi bị nhiễm độc kiến ba khoang
- IG
- Đăng lúc: Thứ sáu, 02/10/2020 17:21 (GMT +7)
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, hơn 2 tuần qua, đơn vị tiếp nhận khám khoảng hơn 100 bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Số lượng người bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng vọt tại miền Bắc do loài côn trùng này đang bước vào mùa sinh sản.
Kiến ba khoang thường sống ở vùng khí hậu ẩm ướt. Những nơi như các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng là chỗ ở lý tưởng cho loài này. Kiến ba khoang có bề ngoài dễ nhận dạng: Đầu kiến và đuôi màu đen, vùng bụng màu đỏ, có cánh cứng, dài từ 0.7 - 1 cm và bò rất nhanh.
Độc tố trong kiến ba khoang là loại độc không thể chủ quan, mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người. Tuy vậy, chất gây độc của kiến ba khoang có thể làm tổn thương da, gây đau rát, hoặc biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Có thể phòng tránh chất độc từ kiến ba khoang bằng cách không giết chết chúng bằng tay bởi như vậy chất độc sẽ vào da. Nếu thấy kiến ba khoang cần lấy một tờ giấy để kiến bò ra khỏi người hoặc thổi đi. Trong trường hợp lỡ tiếp xúc với độc của kiến cần rửa vùng tiếp xúc dưới vòi nước thật kỹ bằng nước sạch và xà phòng, sau đó bôi thuốc đặc trị.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng. Kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.