Cao lầu - Nét đặc sắc trong tinh hoa ẩm thực phố cổ Hội An

Cao lầu là món ăn tiêu biểu góp phần tạo nên cái hồn của ẩm thực phố Hội. Vậy có gì đặc biệt bên trong món cao lầu trứ danh này mà ai cũng muốn cồn cào nếm thử?

Hashtag: Du lịch Hội An ăn gì chơi đâu Ẩm thực Hội An Văn hóa ẩm thực Ẩm thực đường phố

Du khách đến Hội An mà muốn tìm món ăn đặc sản của thị trấn cổ này thì đừng nên bỏ qua cái tên cao lầu này nhé. Hương vị của món ăn nghe lạ tai này sẽ khiến bạn nhớ mãi không nguôi đó. 

Cao lầu - niềm tự hào ẩm thực Hội An

Tương truyền, cao lầu từng được xướng danh là “cao lương mỹ vị” chỉ phục vụ cho vua chúa hoặc có địa vị cao nên thường được ngồi trên lầu cao, vừa ăn vừa hạ mặt xuống nhìn dòng người dưới phố. Trải qua bao thăng trầm, món ăn "quý tộc" này được gọi bằng cái tên "cao lầu" - tức là ăn trên lầu cao.

Màu sắc món ăn bắt mắt, rất hấp dẫn thị giác người ăn

Ngày nay, không chỉ người giàu mới được thưởng thức mà ngay cả tầng lớp bình dân cũng có thể nếm thử món cao lầu "mỹ vị nhân gian" này. Du khách có thể tìm thấy cao lầu ở mọi ngõ ngách khu phố cổ và dần trở thành nét tinh túy trong phong vị ẩm thực phố Hội vô cùng khác biệt này. 

Tuyệt vời khi vừa nếm thử cao lầu vừa ngắm phố phường từ trên cao

Mới đầu khi tận mắt nhìn thấy cao lầu, bạn sẽ liên tưởng ngay đến một món mì, nhưng sợi cao lầu cũng không hẳn là sợi mì, mà nó màu vàng nhạt, dày sợi và ngắn hơn so với sợi mì thông thường. Khi ăn thì có cảm giác như sợi mì udon của Nhật Bản. Giống với mì Quảng, cao lầu Hội An là một món trộn với ít nước dùng, ăn kèm thịt heo xá xíu, tép mỡ, giá trụng, lạc rang và các loại rau sống.

Bí quyết tạo nên hương vị riêng cho món cao lầu nổi tiếng

Không cần đến Hội An thì bạn vẫn có thể thưởng thức món cao lầu trứ này này, nhưng bạn sẽ chỉ thực sự cảm nhận trọn vẹn một tô cao lầu đúng điệu khi ở Hội An. Rời khỏi Hội An, thì không có nơi nào bắt chước cho được cái hương vị tinh túy ấy, vì vậy tuy không có công thức gia truyền, nhưng muốn làm ra tô cao lầu đúng chuẩn thì không phải dễ. 

Nấu cao lầu không hề dễ như bạn tưởng tưởng. Đòi hỏi tay nghề người đầu bếp phải vững, có thâm niên lâu đời thì mới làm ra được hương vị chính gốc. Sợi bánh chính là thứ làm nên linh hồn của món ăn cao lầu. Muốn sợi bánh ngon thì phải làm từ gạo thơm đem ngâm với nước tro củi tràm, có xuất xứ từ vùng đất Cù Lao Chàm, chỉ có như vậy sợi bánh mới mịn, dai dẻo, sần sật. Người dân tin rằng, dùng nước giếng Bá Lễ để xay gạo sau khi đã lọc kỹ sẽ cho ra sợi bánh có vị ngọt và khô đúng ý muốn.

Sợi cao lầu "chính hiệu" phố cổ

Cao lầu không phải món ăn nóng mà là món ăn nguội. Khách gọi đến đâu thì nấu đến đó, vì vậy sợi cao lầu giữ độ dai, giòn. Tô cao lầu đầy đủ là phải có sợi cao lầu, thịt xá xíu một ít rau sống, giá trụng và phải có thêm ít tép mỡ giòn. Những lát thịt heo xá xíu được xắt mỏng đều tay, nêm nếm đậm vị quanh viền bát, thịt chín tới màu hồng phấn, viền đỏ gạch trông vô cùng hấp dẫn. Rau sống có thể được đặt ở dưới cùng hoặc trên sợi bánh và ngon nhất là rau được lấy từ làng rau truyền thống Trà Quế mới đủ tươi xanh. Rắc thêm lạc rang giã nhỏ, tép mỡ và da heo rán giòn, rưới vài thìa nước dùng được làm khi chế biến thịt xá xíu lên trên nữa là hoàn hảo. 

Miếng xá xíu màu mật ong, trông mềm mượt và ngon mắt.

Khi thưởng thức cao lầu phải trộn thật đều cho thấm gia vị. Khi ăn bạn có vị béo ngậy, đậm đà của nước súp, mềm mịn, sựt sựt của sợi cao lầu. Càng hấp dẫn hơn khi cắn thêm miếng xá xíu kẹp chung với rau sống, ăn là chỉ ghiền mà thôi. 

2! Đẹp sẽ bật mí cho bạn một vài gợi ý nho nhỏ về tên các quán cao lầu được yêu thích ở Hội An nhé!

- Cao Lầu Bà Bé: Nằm trong chợ trên đường Trần Phú, Hội An. Giờ mở cửa: 2PM – 10PM.

- Cao Lầu Trung Bắc: 87 Trần Phú, Hội An. Giờ mở cửa: 7AM – 9PM.

- Cao Lầu Thanh: 26 Thái Phiên, Hội An. Giờ mở cửa: 7AM – 9PM.

Bài liên quan

News feed