Đi làm hãy chọn sếp, đừng chọn lương!
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ sáu, 18/12/2020 22:59 (GMT +7)
Lương cao nhưng làm việc với sếp “tồi” khiến tôi cảm thấy áp lực ghê gớm. Và đó chính là lý do tại sao tôi đã chính thức từ bỏ công việc đáng ao ước của mình.
6 tháng trước, không chỉ có tôi mà cả gia đình đều tự hào về công việc mà tôi có được. Một công ty nổi tiếng trong ngành thương mại điện tử với hàng trăm nhân viên có năng lực xuất sắc. Tòa nhà đại diện cao ngất ngưởng, nằm chễm chệ ngay giữa tuyến đường trung tâm thành phố. Và đương nhiên, mức lương mà tôi nhận được quả là một con số đáng ước ao đối với nhiều người. Tôi cứ nghĩ rằng đây chính là “thiên đường công sở” và mình sẽ gắn bó với nơi đây ít nhất là vài ba năm.
Nhưng đời không như là mơ và chẳng có gì là quá dễ dàng. Tôi đã bị “vỡ mộng” ngay sau khi đặt bút ký hợp đồng chính thức với nhà tuyển dụng.
Nói kĩ và đúng hơn thì mọi thứ đều rất tốt, ngoại trừ SẾP. Sếp tôi là một người giỏi giang, có tài, có trí, có năng lực nhưng đồng thời cũng lại là một người bảo thủ và độc quyền. Mặc dù tôi đã cố gắng hết mức để hòa hợp, nhẫn nhịn nhưng cuối cùng cũng đành bỏ cuộc cùng với vài đồng nghiệp khác. Và cho đến giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy quyết định của mình là hoàn toàn sáng suốt.
“Việc của anh/chị là làm tất cả những gì tôi chỉ đinh. Đừng có chống đối!”
Thì đúng là như vậy. Sếp tuyển dụng nhân viên về là để thực hiện những kế hoạch theo ý chí và mục đích của mình. Nói cho cùng, sếp là người đứng mũi chịu sào nên làm theo công việc sếp phân công là điều ai cũng hiểu. Nhưng vấn đề ở đây là sếp tôi hay nói những điều này khi nhân viên không có ý muốn làm những công việc chẳng hề liên quan đến công việc chính và "tương" cho nhân viên câu nói trên khi chúng tôi tỏ ý mệt mỏi.
Thiết nghĩ khi tuyển dụng, chúng tôi có bảng mô tả công việc đoàng hoàng, nên khi phải làm việc trái với công việc trong đề mục, có thắc mắc, không thoải mái cũng là điều bình thường. Nếu sếp tinh tế, thấu hiểu nhân viên thay vì tuyên bố “Các anh chị phải làm”, sếp nên dành thời gian chút thời gian để giải thích tình huống khi muốn một nhân viên của mình phải làm thêm việc gì đó. Như vậy không phải cả hai đều tốt đẹp, còn nhân viên thì "tâm phục, khẩu phục".
“Đó là vấn đề của cá nhân anh/chị. Tôi không giải quyết”
Thật ra, tôi có suy nghĩ thế này. Ai trong quá trình đi làm đều có lúc có những vấn đề cá nhân cần giải quyết. Tất nhiên ta đều thuộc lòng câu người chuyên nghiệp không để việc riêng ảnh hưởng đến công việc. Nhưng trên thực tế những lý do cá nhân riêng, miễn là chính đáng và nhân viên tìm được cách sắp xếp thì đều có thể dung hòa được.
Một người sếp thiếu sự thông cảm cho cuộc sống bên ngoài của nhân viên, ngay cả trong những trường hợp cấp bách thực sự khó để gắn bó lâu dài. Bởi xét cho cùng, phần đa chúng ta đi làm cũng chỉ để chăm lo cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
“Anh chị hãy cảm thấy mình thật may mắn khi có được công việc này.”
Tất nhiên chúng tôi biết giá trị công việc của mình làm. Nhưng song song với đó, chúng tôi cũng hiểu luôn giá trị của bản thân. Thế nên câu nói “Anh chị hãy cảm thấy mình thật may mắn khi có được công việc này” bằng tone giọng mai mỉa thực sự gây tổn thương cho nhân viên được nghe.
Việc chúng ta có được bất kỳ vị trí nào trong công ty, cũng đều phải do trình độ và cũng phải vượt qua các buổi phỏng vấn, những bài test đầu vào và ít nhất là 1 tháng thử việc như bao người khác. Trong vài trò người tuyển dụng và người lao động, một cách công bằng, chúng ta đều cần có nhau.
“Vì tôi là sếp của anh/chị!”
Chỉ cần nghe thấy câu nói này từ sếp, là ngay lập tức toàn thể nhân viên chúng tôi sẽ đều im lặng. Bởi câu này được nói là để nhấn mạnh ý mọi việc sếp nói đều đúng, còn nhân viên thì không!
Đương nhiên, có những thứ sếp có kiến thức và năng lực hơn nhân viên nhưng không có nghĩa tất cả những ý kiến, đóng góp của nhân viên hoàn toàn là sai. Đồng nghĩa với việc, không phải là sếp thì cái gì cũng đúng.
“Đừng hỏi tôi. Anh/chị hãy tự tìm giải pháp đi.”
Tôi hoàn toàn bất lực mỗi khi nghe thấy điều này từ sếp. Đương nhiên, trước đó chúng tôi cũng tư duy để tự mình tìm ra giải pháp, chỉ là tìm không ra hoặc không đáp ứng với mong muốn của sếp mà thôi. Vẫn biết về cơ bản câu này chẳng sai, nhưng không phải người sếp tốt là người sẽ ý nhất chỉ hướng cho người dưới mình khi gặp họ rơi vào bế tắc hay sao?
Hãy tìm cho mình một chân trời mới nếu như bạn phải thường xuyên nghe những lời nói đầy vô lý của sếp. Sự khó tính “không đúng lúc” ấy có thể giết chết sự nghiệp và đam mê nghề nghiệp trong bạn từ lúc nào không hay. Hãy thẳng thắn và mạnh mẽ rời bỏ những thứ khiến bạn mệt mỏi. Và biết đâu, bạn sẽ sớm tìm được cho mình một người sếp đáng giá hơn thì sao!