Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa 400 năm tuổi bên bờ sông Hương thơ mộng của xứ Huế
- Min Xu
- Đăng lúc: Thứ hai, 12/07/2021 12:45 (GMT +7)
Chùa Thiên Mụ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và không gian tĩnh mịch bên dòng sông Hương hiền hoà, đây cũng là địa điểm được nhiều người yêu thích khi đến Huế.
Từ bao đời nay, chùa Thiên Mụ luôn là một trong những biểu tượng nổi bật của Cố đô Huế. Nhắc đến chùa Thiên Mụ, người ta không chỉ nghĩ đến một điểm du lịch thông thường mà đây còn là một trong những chốn linh thiêng và tâm linh của mảnh đất Huế.
Chùa Thiên Mụ ở đâu?
Nằm toạ lạc trên đồi Hà Khê và soi mình xuống dòng sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ (còn có tên gọi khác là Linh Mụ) thuộc địa phận đường Nguyễn Phúc Nguyên, Kim Long, thành phố Huế. Từ trung tâm thành phố Huế, bạn chỉ mất khoảng 10 -15 phút di chuyển là có thể ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng này.
Lịch sử và nguồn gốc chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được biết tới là một trong những ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở Huế. Theo nhiều tài liệu xưa, chùa Thiên Mụ được xây dựng từ năm 1601 dưới thời nhà Nguyễn. Trong một lần đi vi hành để chuẩn bị địa thế tốt cho việc xây dựng cơ đồ nhà Nguyễn, chúa Nguyễn Hoàng đã cưỡi ngựa đi dọc sông Hương và đến một ngọn đồi nhỏ tên là Hà Khê. Sau khi nhận thấy nơi đây giống như một con rồng đang quay đầu, chúa đã cho xây ngôi chùa hướng ra mặt sông hương trên đồi Hà Khê và đặt tên là Thiên Mụ.
Đến năm 1862, khi đang mong mỏi có con để nối dõi tông đường, vì sợ chữ “Thiên” phạm đến trời, vua Tự Đức đã cho đổi Thiên Mụ thành Linh Mụ, đến năm 1869, vị vua này cho dùng lại tên Thiên Mụ như cũ. Chính vì vậy mà ngày nay, ngôi chùa cổ này được biết đến với cả hai tên là Linh Mụ và Thiên Mụ.
Kiến trúc chùa Thiên Mụ có gì đặc biệt
Nhắc đến chùa Thiên Mụ, người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên là ngọn tháp Phước Duyên 7 tầng và cao 21m được dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp ở đây đều thờ tượng Phật. Bên trong tháp Phước Duyên là cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng cao nhất thờ tựơng Phật bằng vàng.
Cổng chính dẫn vào chùa Thiên Mụ là cổng Tam Quan, nơi đây có cấu trúc 2 tầng 8 mái. Cổng có 3 lối đi, mỗi lối lại có cửa ván làm bằng gỗ được bó bằng đinh đồng và đai. Đặc biệt, hai bên lối đi đều có tượng hộ pháp trấn giữ với mong muốn ngôi chùa này luôn được bình yên.
Chánh điện chính của chùa Thiên Mụ là điện Đại Hùng, nơi đây có thờ phật Di Lạc với đôi tai to với mong muốn nghe hết những nỗi thống khổ của chúng sinh và cái bụng to để bao dung lầm lỗi người dân. Bên trên điện Đại Hùng là một bức hoành phi lớn khắc 4 chữ “Linh Thửu Cao Phong”.
Ngoài ra, chùa Thiên Mụ còn có nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: điện Địa Tạng, điện Quan Âm, khu mộ tháp cố hoà thượng Thích Đôn Hậu… và các chuông đồng, bia đá.
Nếu có dịp ghé thăm chùa Thiên Mụ, bạn không chỉ được khám phá những công trình kiến trúc tâm linh độc đáo hay cầu bình an mà có thể hoà mình vào bầu không khí an yên, thanh tịnh ở đây.