Cố đô Huế nổi tiếng với các lăng tẩm mang đặc trưng của kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Quả thực Cố đô Huế có rất nhiều công trình đẹp, đã trở thành di tích phải ghé đến của du khách trong và ngoài nước khi đến Huế như Đại nội Huế, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng hay cung An Định.
Từng được xuất hiện trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hoà Minzy, cung An Định nổi bật với sự xa hoa, tráng lệ. Sẽ không quá lời nếu nói, cung An Định chính là một lâu đài thu nhỏ kết hợp giữa nét cổ kính tráng lệ châu Âu với những hoa văn, hoạ tiết trang trí đặc trưng của cung đình nhà Nguyễn.
Cung An Định ở đâu?
Cung An Định nằm bên cạnh bờ sông An Cựu. Cung An Định có hai cổng, cổng chính nằm tại số 97 Phan Đình Phùng còn cổng phụ nằm tại 150 Nguyễn Huệ, thành phố Huế.
Trước đây, nơi này là phủ Phụng Hoá được vua Đồng Khánh cho xây dựng để con trai mình, tức vua Khải Định làm cung điện riêng khi còn là Thái tử. Sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1917, vua Khải Định đã cải tạo lại phủ Phụng Hoá, biến công trình kiến trúc bằng gỗ này thành một cung điện nguy nga, tráng lệ, mang ảnh hưởng của kiến trúc châu Âu và đổi tên thành cung An Định.
Đến 8/1945, sau khi vua Bảo Đại thoái vị, ông đã cùng vợ mình là Nam Phương hoàng hậu, Đức Từ Cung và các hoàng tử, công chúa chuyển từ Đại Nội qua cung An Định sinh sống.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều công trình của cung An Định không còn nguyên vẹn, thế nhưng giá trị văn hoá – lịch sử của nơi đây vẫn được giữ nguyên.
Sự kết hợp giữa kiến trúc Á – Âu của cung An Định
Toàn bộ diện tích của cung An ĐỊnh lên tới hơn 23.000m² và quay mặt hướng nam ra phía con sông An Cựu. Ban đầu, cung An Định có khoảng 10 công trình lớn nhỏ gồm: cổng chính, bến thuyền, chuồng thú, nhà hát Cửu Tư Đài, hồ nước, lầu Khải Tường, đình Trung Lập… thế nhưng hiện nay nơi đây chỉ còn lại 3 công trình nguyên vẹn là cổng chính, lầu Tường Khải và đình Trung Lập.
Khi đi từ con đường Phan Đình Phùng, bạn sẽ bẳt gặp cổng chính được xây dựng rất công phu của cung An Định. Nơi đây được xây theo lối tam quan, hai tầng và sử dụng nhiều vật liệu như: sành sứ, thuỷ tinh nhiều màu để đắp nổi trang trí rất công phu.
Mặc dù có những cặp trụ giả đắp nổi theo phong cách Roman nhưng những hoa văn, hoạ tiết ở cổng chính đều là những hình ảnh gắn liền với văn hoá Á Đông như: rồng, hổ, phượng… Vòm cổng chính cũng đắp ba chữ “An Định Cung” ở chính giữa.
Đình Trung Lập
Đình Trung Lập tại cung An Định có hình bát giác và phần mái dạng cổ lầu hai lớp. Mái đình Trung Lập đắp nổi hình ảnh 12 con rồng với ý nghĩa có thể bay đi khắp bốn phương tám hướng. Trong đình là bức tượng đồng chân dung vua Khải Định được đúc vào năm 1920 và có tỉ lệ tương ứng với người thật.
Lầu Khải Tường
Là công trình chính và đặc sắc nhất tại cung An Định, lầu Khải Tường do vua Khải Định đặt tên với ý nghĩa là nơi khởi đầu cho những điều tốt lành.
Lầu Khải Tường có diện tích khoảng 745m² với 3 tầng lầu, công trình này được xây dựng bằng tất cả các vật liệu hiện đại nhất thời đó. Nếu như mặt trước của lầu Khải Tường được trang trí bằng các hoạ tiết theo phong cách Roman như thiên thần, bắc đẩu bội tinh… rất tinh xảo và tỉ mỉ thì mặt sau là các hình ảnh thường thấy ở cung đình phương Đông như rồng, phượng, bát bửu, hổ…
Không chỉ nổi bật với sự xa hoa, lộng lẫy của một thời vàng son trước đây, cung An Định còn là một điểm đến mang đậm nét cổ kính, trầm mặc và khung cảnh đầy thơ mộng. Nếu có dịp đến thăm thành phố Huế mộng mơ, cung An Định chắc chắn là một điểm check-in mà bạn không nên bỏ qua.
Bình luận