Cổ nhân có câu "Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ", càng ngẫm càng thấy thấm thía
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ tư, 24/08/2022 16:17 (GMT +7)
Người xưa dạy: Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ. Câu nói này liệu còn đúng trong xã hội hiện nay?
Đã từ rất lâu, dân ta vẫn hay vận dụng những bài học, kiến thức đúc kết từ những kinh nghiệm quý báu của cha ông từ thời xa xưa. Khi bàn về vấn đề giàu nghèo, người xưa cũng đã đúc kết ra rất nhiều câu nói, trong đó có: "Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ". Vậy câu nói này có ý nghĩa gì?
"Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ" nghĩa là gì?
Tại sao nghèo thì không được sửa cửa?
Hiểu nôm na, vế đầu "nghèo không sửa cửa" có nghĩa là những người nghèo được khuyên không nên đập sửa đi phần cửa nhà của mình.
Rất nhiều người nghèo mang trong mình khao khát được giàu có chỉ sau một đêm, họ hy vọng sẽ có thể đổi đời nhờ việc thay đổi diện mạo "mặt tiền" tức là cửa nhà. Bởi cổ nhân cho rằng, cửa chính là khuôn mặt và là vị trí hút lộc cho cả ngôi nhà, giống như việc nói “nhà cao cửa rộng” để chỉ sự giàu có, phú quý của gia đình đó.
Từ góc độ phong thủy, rất nhiều người tin rằng, sở dĩ nhà mình nghèo là do phong thủy không tốt, vì thế họ muốn đổi vận thông qua việc sửa “mặt tiền”. Tuy nhiên, người xưa khuyên rằng nếu đã nghèo còn sửa cửa thì không chỉ đổi vận giàu sang mà còn gây họa cho gia đình.
"Nghèo không sửa cửa" được giải thích là, dù cố sửa sang bề ngoài cho cao sang, hoành tráng nhưng thực chất bên trong chỉ là cái hộp rỗng, chẳng có gì đáng giá. Vốn dĩ gia cảnh đã rất nghèo mà lại vung hết tiền của chỉ để xây một cái cửa rộng, thì rốt cuộc cũng chẳng mang lại lợi ích gì đối với những gia đình nghèo, ngược lại chỉ tăng thêm áp lực kinh tế mà thôi.
Người xưa quan niệm, cửa nhà là thứ không được tùy tiện sửa đổi, nếu không sẽ gây họa cho gia đình. Thay vào đó, khi xây nhà hay các tòa cao ốc, cần chú ý đến vị trí cửa, hướng của ngôi nhà và kích thước của cửa dựa trên những kinh nghiệm phong thủy.
Tại sao giàu thì không được dời mộ?
Người xưa dạy khi đã giàu rồi thì sau này không thể tùy tiện di dời phần mộ của tổ tiên. Bởi khi chúng ta giàu có, phát tài, hưởng phúc đức, nhất định là nhờ có tổ tiên phù hộ, và những gì ta hưởng chính là phần phúc tổ tiên tích lại cho đời sau.
Câu nói này còn có thêm một nghĩa khác là, dù gia đình có giàu có, kiếm được tài lộc nhiều đến đâu thì không được tỏ vẻ đắc ý, tùy tiện di dời mộ của tổ tiên. Làm người phải biết khiêm tốn, biết kính trọng tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, nếu làm trái với đạo lý thì gia đình sẽ ngày càng tán gia bại sản.
"Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ" có còn đúng trong xã hội hiện đại?
Thực ra rất nhiều câu tục ngữ, kinh nghiệm đúc kết được truyền miệng từ đời này qua đời khác, chưa kể còn bị người đời sau thêm vào đó nhiều hàm nghĩa hơn, dẫn tới việc làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Có một số câu nói được đánh giá là tệ nạn mê tín dị đoan nhưng số khác lại là kim chỉ nam cho đời sau học tập, phấn đấu.
Vì vậy, câu nói: “Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ” ở xã hội hiện tại không thể phân định rõ là đúng hay sai, vì tất cả đều có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Và quan niệm này có đáng tin hay không thực ra cũng tùy thuộc vào tư tưởng và quan niệm của từng người.