Nhật Bản biến màu vì Covid-19
- Thục Quyên
- Đăng lúc: Thứ hai, 07/09/2020 16:51 (GMT +7)
Nhật Bản khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại quần đảo này.
Ảnh hưởng từ cơn dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa và tạm ngưng các hoạt động dân sự, thương mại trên toàn quốc. Điều này dẫn đến thói quen sống của người dân thay đổi để thích ứng với các điều kiện sống mới. Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều tổn hại bởi đại dịch nên không ngạc nhiên khi diện mạo của quốc gia này hoàn toàn biến đổi trong những tháng qua.
Sự thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của người dân Nhật Bản sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động toàn diện đến hoạt động bán hàng và phân phối hàng hóa trên toàn quốc.
Các siêu thị và cửa hàng tiện ích biến đổi "giao diện". Điển hình như chuỗi 7-Eleven. Những tấm nhựa trong suốt ở quầy lễ tân được dựng lên tạo sự ngăn cách giữa người bán và người muya. Ở khu vực hàng hóa, kệ hàng chuối, mì gói, cá ngừ đóng hộp và nước đóng chai luôn luôn "cháy hàng", trong khi onigiri (cơm nắm) và bánh mì sandwich ăn liền từng phổ biến trước đây thì hầu như không được đụng đến.
Trong khi các cửa hàng 7-Eleven gần các khu thương mại và điểm tham quan có lượng khách hàng ngày càng thấp thì các cửa hàng tiện lợi trong khu dân cư lại tăng trưởng tích cực.
Các chuyên gia suy đoán rằng việc chuyển hướng sang nấu ăn tại nhà, mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa có thể tiếp tục diễn tiến ngay cả khi cơn dịch qua đi.
Mặc dù làm việc từ xa vẫn được coi là một biện pháp tạm thời nhưng khi người lao động nhận thấy họ có thể làm việc tại nhà mà vẫn đảm bảo hiệu suất, các văn phòng có thể sẽ giải tán, chỉ giữ lại bộ khung điều hành tối thiểu. Điều này sẽ tác động lớn tới thị trường bất động sản cho thuê.
Trong quý 2 năm nay, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nhật Bản thụt xuống 7,8% so với quý trước, hay 27,8% nếu so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tiêu thụ của các hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh.
Trong nền kinh tế Nhật Bản hiện nay, nguồn thu nhập của mọi người chủ yếu đến từ lương. Khi giá cả tổng hợp, bao gồm cả giá cả lương thực và năng lượng sụt giảm, tiền lương cũng sẽ giảm theo. Khi giá cả tăng, tiền lương không tăng theo kịp và dẫn đến tình trạng giảm phát tiền lương.
Các nhà phân tích nhận định, phải đợi đến năm 2022 thì GDP của Nhật mới tìm lại được mức trước khi có dịch Covid-19.