Cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 đang dừng hoạt động, ngành du lịch rơi vào tình trạng "kiệt quệ"

Ngành hàng không khó bao nhiêu thì ngành du lịch khốn bấy nhiêu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn phải đền bù cho các hãng bay vì khách hàng hủy tour.

Hiện tại, ngành du lịch đang phải "oằn mình" chống chọi với những khó khăn theo đánh giá là "chưa từng có". Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào bản báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 mới đây để nhận định, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19.

Một trong những cú "móc hàm" quyết định đã khiến ngành du lịch "đo sàn" chính là cuộc bùng phát đợt dịch mùa Tết nguyên đán vừa qua. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 bị tác động Covid-19 cùng với thiên tai lịch sử miền Trung với những kỳ vọng khả quan vào Tết Nguyên đán thì lại hứng chịu tác động của đợt bùng phát dịch mới.

Năm 2020 đã cạn, cú sốc dịch bệnh đã khiến lượng khách đặt vé, đặt tour và sử dụng dịch vụ du lịch lại càng kiệt. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp vô vàn khó khăn về tài chính do không  có doanh thu. Do "đóng băng" hoạt động quá lâu, hầu như đa số rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) cho biết. Theo khảo sát trên cả nước, hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Tức là cứ 10 doanh nghiệp làm du lịch thì nay đã "đóng sạp" đến 9. Cá biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chuyên kinh doanh dịch vụ đại lý tour, đại lý vé hầu như nghỉ việc 100% lao động. Phía doanh nghiệp lữ hành quốc tế khá hơn một chút, "chỉ" cho nghỉ không lương 60-90% nhân sự, chuyển hẳn sang mảng kích cầu du lịch nội địa để truy trì nhân sự chủ chốt.

Trong những đợt dịch bắt đầu bùng phát, khi khách hàng hủy tour, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế khoảng 50-60 tỷ trong bối cảnh chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước như mong đợi.

Một nguyên nhân nữa khiến ngành du lịch gặp khó về dòng tiền được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra đó là quy định tiền ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến xảy ra tình trạng bị đọng vốn. Trong tình cảnh "cạn tiền", đã có tới khoảng 600 doanh nghiệp tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.

Cũng phải kế thêm một số khó khăn khách quan khác như giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, resort, homestay, ... vẫn bị áp giá điện dịch vụ, chưa được tính theo giá điện sản xuất, dẫn đến chi phí duy trì cao và khó cầm cự.

Bài liên quan

News feed