Cửa sổ hất trong phòng ngủ: "Tặc lưỡi bỏ qua" và hậu quả khó lường
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 20/04/2021 10:41 (GMT +7)
Vụ việc bé gái 4 tuổi tử vong sau khi rơi từ tầng 24 chung cư Xuân Mai xảy ra vào tối 19/4 đã khiến nhiều người giật mình về một vị trí nguy hiểm hay bị bỏ qua
Gần đây thì câu chuyện bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 xuống may mắn sống sót diệu kỳ còn chưa nguội thì công chúng lại bàng hoàng về vụ việc thương tâm xảy ra tại chung cư Xuân Mai Complex trên địa bàn quận Hà Đông (TP Hà Nội) khi một em bé 4 tuổi rơi từ tầng 24 xuống, lần này đã không có phép màu nào xảy ra nữa và bé đã tử vong ngay lúc đó.
Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, gia đình bé mới chuyển đến thuê nhà tại căn hộ tầng 24 mới đây. Khi xảy ra sự việc, bố của bé không có nhà còn mẹ đang bận dọn dẹp trong bếp. Bé chơi một mình trong phòng ngủ và đã tò mò trèo qua ô cửa sổ lật đang để mở và rơi ra ngoài.
Nhiều người thắc mắc, cho rằng cửa sổ chung cư vừa nhỏ vừa trên cao nhưng thực tế, chúng ta đã quên mất nhiều "điểm chủ quan" mà rất nhiều các bậc phụ huynh khi đứng trên góc độ là một người trưởng thành đã cho rằng nó không nguy hiểm và khó có thể xảy ra tai nạn.
Những loại cửa sổ chung cư phổ biến hiện nay
Hiện tại, chung cư ở Việt Nam có 3 loại cửa sổ phổ biến là cửa sổ mở trượt, cửa sổ mở quay và cửa sổ lật. (Cũng có nhiều nơi dùng cửa kết hợp của 2 loại trong 3 loại cửa trên song không nhiều)
Đối với loại cửa sổ mở quay: thông thường sẽ là mở quay ra ngoài hoặc quay vào trong, loại hình này có nhược điểm là phải làm cánh cửa cồng kềnh, phải làm chấn song, lại chỉ mở được một chế độ, khó định vị cánh cửa khi mở. Nếu mở ra ngoài thì mưa gió có thể làm hư hại, mở vào trong thì dễ vướng đồ đạc nên từ lâu, loại cửa sổ này đã không còn được ưa chuộng nữa.
Đối với cửa sổ mở trượt: Đây là loại hình hay được sử dụng vì giá hợp lý. Tuy nhiên, do có cấu tạo hai cánh trượt song song với nhau, nên đã tạo ra khe hở ở giữa hai cánh, dù các nhà sản xuất đã có giải pháp để chặn khe hở này, nhưng vẫn không bảo đảm độ khít. Điều này dẫn đến sự khó khăn khi vệ sinh rãnh trượt, mức độ hư hỏng và gặp sự cố cũng kha khá sau thời gian dài sử dụng.
Cửa sổ mở lật: Hầu hết các chung cư hiện đại ngày nay ưa chuộng sử dụng loại cửa sổ này bởi tính ưu việt hơn so với các kiểu mở đã nói ở trên nhờ có cấu tạo đặc biệt với chốt đa điểm và hệ gioăng kép. Khi cửa đóng lại, hệ thống chốt đa điểm sẽ chốt lại ở các điểm, ép chặt khuôn cửa và khung cánh với nhau tạo ra độ khít cao.
Cửa sổ tại chung cư xảy ra tai nạn là loại nào và tại sao nó lại tiềm ẩn nguy cơ lớn đến như vậy?
Tầng 24 nơi bé gái rơi xuống là một căn hộ sử dụng cửa sổ mở lật trong phòng ngủ.
Tại Việt Nam lại hay làm loại cửa sổ mở lật chẳng theo quy định nào cụ thể. Ở châu Âu, người ta thường làm ô cửa mở lật hướng vào trong, song tại Việt Nam lại phổ biến là hướng ra ngoài, điều này tưởng như là bình thường và "thuận mắt" song thực tế, đây lại là điểm mấu chốt dẫn đến nhiều bất cập.
Cửa lật nhỏ phía trên hướng ra ngoài sẽ trực tiếp đón gió mạnh tại các tầng cao, dễ gây hư hại và hao mòn, chưa kể sự cố khác. Ngoài ra, một "điểm chí mạng" là kết cấu của cửa sổ lật là một tấm kính cường lực lớn chiếm phần lớn kết cấu cửa sổ, chỉ để ô lật nhỏ phía trên nhằm đón gió và thoáng khí.
Đối với người trưởng thành, khi nhìn ô cửa lật nhỏ này, thường sẽ không tưởng tượng ra sẽ có nguy hiểm gì, hoặc nếu có nghĩ đến thì hay chủ quan mà "tặc lưỡi bỏ qua" bởi vị trí trên cao của nó. Đây chính là điểm "chết người" đáng tiếc.
Đặc biệt đối với các em nhỏ trong độ tuổi từ khi biết đi, biết leo trèo đến khoảng 4-5 tuổi. Đây là thời điểm các bé hiếu động, thích tò mò khám phá xung quanh nên bất cứ điểm sơ suất nào cũng có thể tạo ra tình huống nguy hiểm. Trong một căn phòng kín, một ô thoáng sẽ điểm hấp dẫn và thu hút bé và cửa dẫu có cao so với kích thước cơ thể bé thì chỉ cần một vật đệm như ghế, giường... là bé có thể leo trèo lên vị trí gây nguy hiểm dễ dàng.
Đáng tiếc, trường hợp xảy ra đối với bé gái 4 tuổi trong vụ việc khả năng lớn lại đến từ chính lý do nếu trên và không may mắn, bé đã gặp nạn và không thể qua khỏi.
Bài học lớn cho các chủ đầu tư, nhà xây dựng và các bậc phụ huynh
Từ sự việc thương tâm của bé gái nói trên, mong rằng các nhà quản lý chung cư, chủ đầu tư và đơn vị xây dựng chú ý hơn về những chi tiết tưởng như nhỏ và "không quá quan trọng" như là ô cửa lật của cửa sổ. Thay vì làm cửa lật ra ngoài, hãy làm cửa lật vào trong như tại châu Âu, không hề tốn thêm chi phí mà lại giữ độ bền tốt cho cửa cũng như an toàn cho người sử dụng.
Còn đối với các bậc phụ huynh, những gia đình có trẻ nhỏ, người già khi chuyển đến nơi ở mới cần phải chú ý các khu vực cửa sổ, ban công, những nơi có thể xảy ra những mối nguy hiểm cho sự an toàn của trẻ nhỏ người già trong nhà để có những biện pháp khắc phục cần thiết. Bên cạnh chuyện phải liên tục để mắt tới con em mình là chuyện tối quan trọng, gia chủ hãy tự gia cố và tìm ra các phương pháp phòng ngừa tai nạn một cách chủ động thông qua việc, khi xây dựng hãy yêu cầu làm cửa sổ mở lật vào trong, còn nếu đến ở đã có cửa mở lật ra ngoài, hãy chủ động làm thêm lưới chắn cửa sổ, ngoài các biện pháp an toàn cho khu vực ban công.