Cuộc đời dị biệt của "quái kiệt điện ảnh" Hàn Quốc Kim Ki Duk
- Dawn Humo
- Đăng lúc: Thứ bảy, 12/12/2020 12:33 (GMT +7)
Được mệnh danh là 'Quái kiệt điện ảnh Hàn', vị đạo diễn nổi tiếng gây nhiều tranh cãi về cả sự nghiệp phim ảnh lẫn đời tư trước khi qua đời ở tuổi 60 do Covid.
Kim Ki Duk là một đạo diễn nổi tiếng người Hàn Quốc. Vị đạo diễn sở hữu phong cách làm phim đầy sự khác biệt về nghệ thuật và những nội dung xoáy sâu vào các vấn đề đen tối nhất của xã hội và sâu kín nhất trong con người: ẩn ức tình dục. Mặc dù gây nhiều tranh cãi, những tác phẩm của ông vẫn nhận được cơn mưa lời khen từ các liên hoan phim quốc tế. Điều này một mặt khiến ông trở thành một trong những đạo diễn người Châu Á đương đại thành công nhất, một mặt ông vẫn là một “đạo diễn dị biệt”, “đạo diễn tâm thần” của điện ảnh Hàn trong mắt công chúng.
Con đường đi tới sự nghiệp đạo diễn của ông không dễ dàng. Tuy nhiên, con đường duy trì nó còn gặp nhiều tranh cãi, đồng thời nhiều chỉ trích hơn thế nữa. Nguyên do một phần bởi nội dung phim quá đen tối. Phim của ông được cho là luôn “tràn ngập dục vọng và những mối quan hệ xác thịt”. Tuy vậy, nguyên nhân thực sự khiến nhiều khán giả quay lưng với vị đạo diễn tài ba này dường như liên quan tới đời tư về tình dục, bạo lực gây tranh cãi của ông.
Trải qua hơn nửa cuộc đời mới phát hiện ra tài năng làm phim
Kim Ki Duk sinh ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại Bonghwa, phía bắc tỉnh Kyungsang, Hàn Quốc. Ông sinh ra và lớn lên tại một làng thuộc miền núi. Tới 9 tuổi ông chuyển lên Seoul (Hàn Quốc) sống cùng với gia đình. Ban đầu, ông học tại một trường dạy về nghề nông, sau đó lại bỏ học nửa chừng vì anh trai bị đuổi học.
Suốt những năm tuổi thành niên, ông phải đi kiếm việc làm thêm ở những xí nghiệp và cuối cùng gia nhập hải quân vào năm 20 tuổi. Có vẻ như ông rất thích hợp với môi trường nơi đây. Dù chỉ làm nhân viên sĩ quan cấp thấp suốt 5 năm, môi trường quân ngũ đã mang lại cho ông nhiều vốn sống và tình chiến hữu, quân nhân mà ông đã thành công đưa vào bộ phim của mình rất mượt mà.
Hơn 25 tuổi, ông vẫn chưa tìm thấy đam mê cũng như tài năng thực sự của mình. Trong khoảng thời gian 2 năm tiếp theo tại một nhà thờ với mục đích trở thành linh mục, ông vẫn tiếp tục vẽ tranh như những gì đã làm thuở nhỏ. Mãi cho tới năm 30 tuổi, ông mới lần đầu tiên tiếp xúc với đất nước nơi đã giúp ông tìm được tài năng thất lạc của mình.
Năm 1990, vị đạo diễn khi đó đã dốc hết toàn bộ số tiền có được mua vé máy bay tới thành phố Paris, Pháp. Ông Kim đã tới thủ đô hoa lệ của nước Pháp với những bế tắc trong sự nghiệp và cuộc sống khó khăn. Để trang trải cho chi phí sinh hoạt, ông Kim vẽ và bán tranh cho một xưởng vẽ, đó là nghề nghiệp duy nhất ông biết đến và yêu thích tại thời điểm đó. Lúc này, văn hoá hay nghệ thuật đối với ông là thứ gì đó xa xỉ, sức lao động của con người mới là điều đáng quý nhất trong cuộc sống này.
Thành phố mơ mộng và ngọt ngào, biểu tượng văn hóa của kinh đô ánh sáng Paris có thể thay đổi bất kỳ ai đến với nó. Điều này cũng không phải ngoại lệ với ông Kim. Trong những tháng ngày bán tranh lay lắt, ông Kim mang một tâm trạng đầy bế tắc bước đi và lạc tới một rạp chiếu bóng, từ đó cuộc đời ông đã thay đổi mãi mãi. Bộ phim ông xem ngày hôm đó chính là tác phẩm tâm lý tội phạm kinh điển "Sự im lặng của bầy cừu". Bộ phim đầy những phân cảnh kinh dị, máu me nhưng ẩn sau đó là những bài học đắt giá đầy nhân văn về cuộc sống. Có lẽ, phong cách làm phim của đạo diễn Kim Ki Duk cũng đã bắt đầu hình thành từ đây.
Sau khi trở về từ Pháp, ông tập trung rèn luyện viết kịch bản trong suốt 6 tháng. Hai trong số những kịch bản đã được chọn trong cuộc thi viết kịch bản. Ông Kim không có kinh nghiệm sử dụng từ ngữ, nhưng đó lại trở thành đặc điểm nổi bật và trở thành phong cách riêng của ông. Những kịch bản phim chỉ đề cập tới các vấn đề gần gũi với cuộc sống, kinh nghiệm sống thực tiễn mà ông đã từng trải qua. Không có nhiều thoại, tới mức gần giống một bộ phim câm. Vị đạo diễn tài ba đã cài cắm những tình tiết phim “biết nói” thay vì sử dụng từ ngữ. Điều này càng khiến những thước phim trở nên bí ẩn hơn và làm người xem phải suy nghĩ day dứt vì nó. Cuối cùng, vào năm 36 tuổi, ông mới có bộ phim đầu tay sau khi đã trải qua tới hơn nửa cuộc đời.
'Đạo diễn tâm thần', 'quái thai thời đại' hay 'tượng đài điện ảnh Hàn'
Phim của Kim Ki Duk xoáy sâu vào tâm lý con người, đôi khi vượt quá sự cảm nhận thông thường. Nó cho thấy một cách nhìn, một thế giới quan khác lạ của Kim Ki Duk. Bộ phim đầu tay Crocodile của ông kể về một người đàn ông chuyên thu thập xác những người tự sát. Ông hay làm những bộ phim về đề tài phụ nữ, nhưng luôn bị lên án mạnh mẽ từ công chúng. Mặc dù bị chỉ trích, ông đã đoạt giải Quạ vàng của Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế của Bỉ, giải Netpac cho phim đáng chú ý nhất Liên hoan phim Venezia thông qua bộ phim miêu tả về chuyện tình cảm, đời sống của những cô gái điếm - The Isle, 1999.
Hàng loạt giải thưởng khác nối tiếp theo kể từ khi đó. Phim Address Unknown (2001) đoạt giải Đại Linh của điện ảnh Hàn Quốc cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và nhận đề cử Sư tử vàng Liên hoan phim quốc tế Venice; phim Bad guy (2001) đoạt giải Đại Chung Nữ diễn mới xuất sắc nhất, giải Orient Express tại Liên hoan phim quốc tế Catalonia của Tây Ban Nha và nhận đề cử Gấu Vàng Liên hoan phim quốc tế Berlin; phim The Coast Guard (2002) đoạt giải FIPRESCI, giải Netpac tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary, giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Jang Dong Gun tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương; phim Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003) đoạt giải C.I.C.A.E., Don Quixote và giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải Đại Chung phim xuất sắc nhất 2004; phim Samaritan Girl (2004) đoạt giải Gấu Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Berlin; phim 3-Iron (2004) đoạt giải Golden Spike tại Liên hoan phim quốc tế Valladolid, giải FIPRESCI, giải Sư tử vàng nhỏ, giải thưởng danh dự SIGNIS, giải Đạo diễn đặc biệt tại Liên hoan phim Venice; phim Pietà đoạt giải Golden Lion (Sư tử vàng) dành cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice năm 2012.
Vượt lên những tranh cãi về thông điệp của phim cũng như khuynh hướng thù ghét phụ nữ, bất cứ ai cũng phải công nhận tài năng làm phim của vị đạo diễn này.
Các bộ phim của Kim Ki Duk, ông luôn đặt ra những tình huống bất thường, những số phận bất thường: người nhặt xác người tự sát, những người lính biên phòng biển đối mặt với cô gái điên khi họ vô tình bắn chết người yêu cô trong lúc cả hai đang ân ái bên bờ biển, hai cô gái muốn có tiền đi du lịch đã chấp nhận làm gái điếm...
Những nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh của ông là điển hình của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, không có tiếng nói, không thể nhìn thấy ánh mặt trời. Thời điểm ấy, các nhà hoạt động xã hội, những người đòi quyền bình đẳng nam nữ gọi ông là “đạo diễn tâm thần”, “quái thai thời đại” hay “gã làm phim vô dụng”. Sự việc căng thẳng tới mức vị đạo diễn từng thề không bao giờ trả lời báo chí Hàn Quốc nữa.
Trong khi đó, một bộ phận các nhà phê bình phim luôn coi những tác phẩm của Kim Ki Duk là thứ gì đó rất kinh tởm, khán giả sợ hãi và chỉ trích những hình ảnh và nội dung phim đen tối. Nhưng ẩn sau những vẻ ngoài đó, ông gửi gắm những sự thật tàn nhẫn, đó là chúng hầu như đều có thật, từ chính những kinh nghiệm thực tế của ông. Không có một sự mỹ miều của điện ảnh che chắn, điều mà có thể học từ các trường lớp đào tạo. Phim của Kim Ki Duk trần trụi, thực tế, đầy phóng túng, tự do như chính con người của ông.
Đời tư đầy tai tiếng
Nhà làm phim nổi tiếng nhiều lần bị tố cáo bởi những tội danh bạo lực, cưỡng ép diễn viên, xâm hại tình dục. Những scandal trong quá khứ của ông từng gây chấn động làng giải trí Hàn Quốc. Luôn gửi gắm những thông điệp thực tế khốc liệt vào trong phim, khán giả mỉa mai rằng có lẽ ông đang cố đưa chúng thêm một lần nữa trở lại thành sự thực.
Ông bị cáo buộc các tội danh về bạo lực, chửi bới, cưỡng ép diễn viên nữ đóng cảnh nóng. Đỉnh điểm, vào năm 2018, ông liên tiếp bị ba nữ diễn viên tố cáo ông xâm hại tình dục trên một chương trình "PD Notebook" của đài MBC, theo phong trào “Me too” - chống quấy rối và bạo hành tình dục. Giữa thời điểm sục sôi của “Me too”, ông Kim đã hứng chịu búa rừu từ dư luận vì “sự kinh tởm”, như nhiều khán giả nhận xét, trong cả sự nghiệp phim ảnh lẫn đời tư.
Sau ồn ào nói trên, Kim Ki Duk tạm dừng làm phim và ra nước ngoài sinh sống. Thông tin về ông cũng bặt vô âm tín.
Sự ra đi bất ngờ vì Covid-19 hôm qua là cú sốc cho những người hâm mộ phim của ông, trở thành dấu chấm hết cho biểu tượng điện ảnh dị biệt và kiệt xuất mang tên Kim Ki Duk.