Đại học Sư phạm Hà Nội không tuyển thí sinh nói ngọng, nhầm L và N
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Thứ bảy, 17/04/2021 23:49 (GMT +7)
Theo thông báo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những yêu cầu tuyển sinh của trường là thí sinh như không được nói ngọng, nói lắp.
Mới đây, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thu hút sự chú ý của nhiều người khi thông báo một số yêu cầu tuyển sinh như không được nói ngọng, nói lắp.
Theo thông tin trên Zing, Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ tuyển 7.094 thí sinh cho năm 2021, so với năm 2020 tăng gần gấp đôi. Cụ thể, trường sẽ tuyển sinh qua 4 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do trường đề ra; xét học bạ THPT; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với kết quả thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ngoài ra, các đối tượng đáp ứng quy định tại khoản 2, điều 7 của Quy chế tuyển sinh trình độ Đại học sẽ được trường xét tuyển thẳng và tuyển sinh trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những thí sinh đạt kết quả tốt bài luận, trường cũng sẽ ưu tiên cộng điểm hoặc xét tuyển thẳng.
Những quy định này đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của mọi người, nhất là những đối tượng đang có ý định dự thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay. Đa phần đều tỏ ý đồng tình vì cho rằng ngành sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ tương lai. Nếu người dạy không phát âm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến học sinh.
Nhiều người còn cho rằng nên áp dụng quy định này từ lâu vì việc phát âm ảnh hưởng khá nhiều đến các em học sinh, nhất là mầm non và tiểu học. "Cái này là để nâng cao chất lượng giảng dạy thôi. Ngôn ngữ khó nghe kém thu hút hẳn, lại khó tập trung nữa. Nhất là dạy cho các em lớp vỡ lòng hoặc lớp 1, lớp 2 thì dạy phát âm kiểu gì khi L và N cứ nhầm lẫn với nhau", bạn N.T. chia sẻ.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng với quy định này thì thí sinh ở một số địa phương có đặc điểm riêng về phát âm sẽ khó mà theo đuổi nghề giáo viên. Hoặc nếu muốn có lẽ sẽ phải mất khá nhiều thời gian để luyện kỹ năng, sửa phát âm.
"Đến bản thân mình còn không sửa được tật nói ngọng thì còn dạy ai được nữa. Nghề giáo viên cần truyền đạt nhiều mà nói ngọng thì dở rồi."
"Mình thấy cái này đúng mà, vì đa số các giáo viên phát âm sau sẽ dẫn đến việc học sinh cũng phát âm sai theo. Quy định này hoàn toàn hợp lý." - Một số bình luận của cư dân mạng.
Liên quan đến vấn đề gây tranh cãi này, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang - giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết trên Lao động: "Nói ngọng là khái niệm dùng để chỉ tật phát âm không rõ, không chính xác do bộ máy phát âm của người nói bị dị tật hay khiếm khuyết. Điều này khác với việc phát âm nhầm lẫn, nhịu giữa âm này và âm khác do ảnh hưởng của cách phát âm ở một số vùng phương ngữ, hoặc do thói quen phát âm từ nhỏ."
Đặc biệt, PGS.TS Trang khẳng định việc không phân biệt được L và N mà nhiều người hay mắc phải hiện nay không phải là nói ngọng mà là nói nhịu: "Người nói hoàn toàn có khả năng phát âm chính xác âm (L) âm (N) (vì bộ máy phát âm của họ không có vấn đề gì), song họ bị "nhịu" và lẫn giữa hai âm này. Vì thế, không nên đánh đồng hai hiện tượng". PGS.TS cũng giải thích rằng chỉ cần chúng ta kiên trì luyện tập thì tật nói nhịu này hoàn toàn có thể sửa được.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng việc không tuyển sinh thí sinh có vấn đề về giọng nói ở Đại học Sư phạm là hợp lý. Tuy nhiên ông Dân nhấn mạnh, việc phát âm sai một vài từ theo vùng miền có thể cải thiện được nếu thí sinh đó có quyết tâm theo đuổi ngành giáo viên.