6 điều cần tránh cho người mới bắt đầu làm vườn để tăng năng suất thu hoạch

Bắt đầu gieo trồng với số lượng lớn, mật độ cây quá dày, trồng loại rau củ trái mùa,... là 3/6 lỗi sai mà những người mới bắt đầu làm vườn thường mắc phải.

Hashtag: Làm vườn Chăm sóc cây cảnh

Giữa thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo như hiện nay thì rất nhiều người đã dành ra một khoảng sân vườn hoặc thậm chí tận dụng ban công để có thể tự trồng các loại rau quả tại nhà. Đây không chỉ là nguồn cung cấp rau củ sạch không dư lượng thuốc trừ sâu mà còn là công việc rất thú vị, giúp giải tỏa căng thẳng, đặc biệt là giữa thời điểm giãn cách này.

Bất cứ công việc nào cũng vậy, dù lớn hay nhỏ, khi mới bắt tay vào làm lần đầu tiên cũng sẽ gặp nhiều sai sót. Thông qua những kinh nghiệm từ những người làm vườn tại gia mà chúng tôi thu thập được, có 6 sai lầm cơ bản mà bạn cần tránh để có thể hoàn thiện "khu vườn nhỏ" mỗi ngày. 

1. Bắt đầu với số lượng lớn

Thật khó để có thể cưỡng lại danh sách một loạt những hạt giống rau củ được bày bán cũng như ngắm nhìn khu vườn phong phú của những người đã thành công. Tuy nhiên, khi bạn là "người mới", hãy bắt đầu với một số lượng cây trồng nhỏ để có thể quản lý và chăm sóc chúng dễ dàng hơn. Bạn có thể chọn một khoảnh đất diện tích nhỏ hay thùng/hộp/chậu trồng với kích thước vừa phải. Trồng những loại rau củ đơn giản để không bị động khi có nhiều vấn đề phát sinh trên một lượng lớn cây trồng.

Khi bạn là "người mới", hãy bắt đầu với một số lượng cây trồng nhỏ để có thể quản lý và chăm sóc chúng dễ dàng hơn.

2. Mật độ gieo trồng quá dày

Nếu bạn gieo hạt hoặc trồng cây quá gần nhau thì vô tình sẽ tạo ra sự cạnh tranh chất dinh dưỡng, đất, nước và ánh sáng,... Hướng dẫn in trên bao bì hạt giống sẽ bao gồm khuyến cáo về khoảng cách thích hợp, tuy nhiên bạn cũng cần cân nhắc điều kiện thực tế khi cây lớn lên. Không phải mọi hạt giống được gieo đều sẽ nảy mầm và không phải mầm nào cũng sống sót. Hãy chuẩn bị cho cây điều kiện sinh trưởng tốt, thoải mái để phát triển, hơn nữa trồng cây quá dày sẽ khiến sâu bọ xâm nhập dễ dàng hơn.

Nếu bạn gieo hạt hoặc trồng cây quá gần nhau thì vô tình sẽ tạo ra sự cạnh tranh chất dinh dưỡng, đất, nước và ánh sáng,...

3. Trồng rau củ quả trái mùa

Ông bà ta có câu "mùa nào thức nấy", chỉ về việc mỗi thời điểm trong năm sẽ thích hợp để gieo trồng các loại rau củ quả phù hợp với từng điều kiện thời tiết, cho nên những quả đúng mùa bao giờ cũng ngon và giàu dinh dưỡng hơn quả trái mùa. Hãy dành thời gian tìm hiểu về loài cây mà bạn muốn gieo trồng để xem thời điểm nào là phù hợp. Nếu chưa đúng thời điểm, hãy tạm gác lại và chọn loại khác thay thế để đạt được kết quả thu hoạch tốt hơn.

Hãy dành thời gian tìm hiểu về loài cây mà bạn muốn gieo trồng để xem thời điểm nào là phù hợp.

4. Đất trồng không đạt chất lượng

Nếu không có đất chất lượng thì chẳng vườn rau nào có thể phát triển tốt. Bạn cần chuẩn bị yếu tố đất trồng kỹ lưỡng để cây có thể phát triển mạnh bộ phận rễ của chúng. Kết hợp một nửa phân trộn và một nửa đất mặn là tốt nhất để trồng rau. Bạn có thể kiểm tra độ pH của đất và một số các yếu tố dinh dưỡng như phốt pho, canxi, kali,... để đảm bảo hạt giống có được đất trồng tốt nhất.

Bạn cần chuẩn bị yếu tố đất trồng kỹ lưỡng để cây có thể phát triển mạnh bộ phận rễ của chúng.

5. Không tưới nước đúng cách

Cây trồng cần nước để chuyển hóa chất dinh dưỡng và phát triển, nhưng mỗi loại rau củ quả lại cần lượng nước khác nhau. Quá ít nước sẽ khiến cây bị khô và héo, một khi đã khô héo nghiêm trọng thì hầu hết chúng không thể phục hồi ngay cả khi được tưới nước bù. Ngược lại, quá nhiều nước có thể làm thối bộ rễ, ảnh hưởng sự phát triển khỏe mạnh vì cây khó hút chất dinh dưỡng và thẳng đứng. 

Hầu hết các loại cây đều thích tưới ẩm sâu từ 1-3 lần/tuần. Nếu tưới quá cạn, rễ sẽ mọc gần bề mặt thay vì hướng xuống dưới. Khi tưới nước, hãy đảm bảo rễ cây nhận được độ ẩm và nắm rõ đặc tính từng loại cây để có cách tưới tẩm phù hợp.

Cây trồng cần nước để chuyển hóa chất dinh dưỡng và phát triển, nhưng mỗi loại rau củ quả lại cần lượng nước khác nhau.

6. Không "vạch lá tìm sâu"

Những người bắt đầu làm vườn thường bỏ qua công việc này, có thể vì chưa nhận biết được tầm quan trọng của nó. Mỗi ngày, bạn cần kiểm tra lá cây để tìm sâu bọ, nấm hay phát hiện các dấu hiệu bất thường trên lá và thân để tìm cách chữa trị sâu bệnh kịp thời. Công việc này tuy tốn thời gian nhưng sẽ giúp cho cây được khỏe mạnh. Bạn cũng có thể kết hợp trồng các loại thảo mộc như húng quế bên cạnh cây cà chua để hương húng quế xua đuổi sâu bọ, rệp,... cho cây.

Mỗi ngày, bạn cần kiểm tra lá cây để tìm sâu bọ, nấm hay phát hiện các dấu hiệu bất thường trên lá và thân để tìm cách chữa trị sâu bệnh kịp thời.

Trên đây chỉ là 6 sai lầm cơ bản trong vô số các lỗi sai mà bạn có thể gặp phải khi bắt tay vào công cuộc trở thành người làm vườn tại gia. Bạn cần tâm niệm rằng, làm vườn là một quá trình mắc lỗi và sửa lỗi, dần dần bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt hơn, đừng vì một vài lần thất bại mà thiếu kiên nhẫn hay từ bỏ nhé! Chúc bạn thành công.

Bài liên quan

News feed