Déjà vu là gì? Déjà vu là bệnh lý hay là khả năng đặc biệt?
- Hợp Đức
- Đăng lúc: Thứ sáu, 04/03/2022 09:03 (GMT +7)
Déjà vu là hiện tượng khá phổ biến mà mọi người thường gặp phải trong đời. Vậy Déjà vu là gì, làm thế nào để nhận biết? Hiện tượng Déjà vu có tác hại gì không?
Nội dung chính
Bạn đang đi dạo trên một bãi biển nhiều ánh nắng và bất chợt bạn có cảm giác bạn đã từng làm điều này dù đây là lần đầu bạn đặt chân tới chốn này. Lần khác, bạn gặp một người đàn ông ở cửa siêu thị, anh ta mặc áo màu cam và mở cửa siêu thị cho bạn. Lập tức, bạn có cảm giác bạn đã gặp cảnh tượng này đâu đó trong quá khứ. Cái khoảnh khắc như thể đã trải qua một điều gì đó dù trong lòng biết rõ là chưa từng được gọi là hiện tượng Déjà vu.
1. Déjà vu là gì?
Déjà vu là một từ gốc Pháp, nó có nghĩa là “đã nhìn thấy". Trong phân tâm học, Déjà vu được định nghĩa là ký ức ảo giác, chỉ hiện tượng ảo giác về một sự vật, sự việc, câu chuyện chưa từng biết trước đó, chưa từng trải qua nhưng thấy rất quen thuộc như đã trải qua. Déjà vu có thể xảy ra ở cả đời thực lẫn trong mơ, với cả người trưởng thành, người già và trẻ nhỏ.
Hiện tượng Déjà vu được đề cập tới đầu tiên bởi nhà khoa học tâm linh người Pháp Émile Boirac (1851 - 1917). Ông sử dụng thuật ngữ này trong cuốn sách Tương lai Ngành tâm linh học (L’Avenir des sciences psychiques).
Déjà vu chỉ thực sự được nghiên cứu sâu hơn từ những năm cuối thế kỷ XX bởi các nhà khoa học tâm lý học và thần kinh học. Các nhà khoa học cho rằng, Déjà vu không phải là khả năng dự đoán trước hay nhận biết trước về một sự việc mà thực ra lại là dị tật của bộ nhớ khiến cho con người tưởng rằng ký ức “đang được nhớ lại”.
Cuối thế kỷ XX, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng có thể tạo ra hiện tượng Déjà vu một cách chủ động bằng cách thôi miên.
2. Các quan điểm khác nhau trong giới khoa học về hiện tượng Déjà vu
Các nhà phân tâm học nhận định hiện tượng Déjà vu là sự tưởng tượng đơn giản, đôi khi lại là sự hoàn thành ước nguyện nào đó.
Các nhà tâm thần học lại cho rằng hiện tượng Déjà vu xảu ra khi não bộ gặp lỗi ghi nhớ khiến nó nhầm lẫn hiện tại và quá khứ.
Một số nhà cận tâm lý học thì khẳng định hiện tượng Déjà vu liên quan tới tiền kiếp, những ký ức trải nghiệm của kiếp trước trỗi dậy.
Đến nay, giới khoa học chưa thống nhất quan điểm về hiện tượng Déjà vu.
3. Những ai có thể gặp hiện tượng Déjà vu?
Hiện chưa có nghiên cứu thống kê nào về mức độ phổ biến của hiện tượng Déjà vu. Song các chuyên gia tâm lý học và thần kinh học cho rằng có khoảng 60-80% dân số đã trải qua Déjà vu, không giới hạn độ tuổi và không liên quan tới các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Tuy nhiên, độ tuổi từ 15-25 được cho là thường xảy ra hiện tượng Déjà vu so với người ở độ tuổi cao hơn.
3. Phân loại hiện tượng Déjà vu
Mặc dù có biểu hiện lành mạnh nhưng các chuyên gia vẫn chia Déjà vu ra thành hai loại: Déjà vu bệnh lý và Déjà vu không bệnh lý.
Déjà vu bệnh lý thường liên quan đến động kinh. Nếu hiện tượng Déjà vu đi kèm các triệu chứng ảo giác nặng, hoang tưởng thì là dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Déjà vu không bệnh lý xảy ra với người khỏe mạnh, người trẻ tuổi thường gặp hiện tượng này nhiều hơn người già.
4. Các giả thuyết về nguyên nhân gây ra hiện tượng Déjà vu
4.1. Déjà vu là sự ghi nhớ ký ức
Một số nhà khoa học cho rằng Déjà vu liên quan đến cách não bộ xử lý và nhớ lại ký ức. Déjà vu có thể xảy ra như một cách phản ứng với sự việc tương tự trong quá khứ, nhất là thời thơ ấu nhưng chủ thể không thể nhớ được vì một lý do nào đó. Dù không thể nhớ ra, bộ não vẫn lưu giữ dữ liệu đó và nhắc cho bạn biết bạn đã từng ở trong một tình huống tương tự. Điều này khiến bạn cảm thấy vô cùng quen thuộc nhưng cũng làm bạn hoang mang vì không nhớ bản thân đã gặp tình huống đó vào thời điểm nào trong cuộc đời.
4.2. Déjà vu là biểu hiện của trải nghiệm kiếp trước
Một số nhà cận tâm lý học tin rằng déjà vu liên quan đến kiếp trước. Tức một sự việc, một điểm đến mà một người đã có trải nghiệm trong kiếp trước nay gặp lại khiến ký ức kiếp trước trỗi dậy. Tuy nhiên không có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này.
4.3. Déjà vu do trục trặc ở não bộ
Một số chuyên gia thần kinh cho rằng Déjà vu xảy ra khi não bộ gặp “trục trặc” khi phần não ghi chép hiện tại và phần não lưu giữ ký ức hoạt động đồng thời. Khi đó, não bộ bị nhầm lẫn những gì đang xảy ra là những gì đã từng xảy ra rồi. Nếu sự rối loạn chức năng não này xảy ra thường xuyên thì tình trạng khá đáng lo ngại. Ngược lại, nếu thi thoảng nó mới xảy ra thì không có gì đáng lưu tâm.
Một giả thuyết khác là não gặp trục trặc trong quá trình xử lý thông tin, tốc độ ghi chép thông tin hiện tại bị "tạm dừng" như hiện tượng "tắc đường" hay "đơ" của máy tính. Khi đó thông tin con người tiếp nhận thông qua giác quan bị tách ra theo các con đường khác nhau truyền về não. Do tốc độ đường truyền khác nhau, một tuyến thông tin nào đó có thể đến não trước tuyến thông tin còn lại, dù chỉ trong tích tắc không đáng kể nhưng cũng khiến não bộ nhầm tưởng rằng đó là hai sự kiện đơn lẻ khác nhau xảy ra vào khoảng thời gian khác nhau, dù kỳ thực, chúng là một thông tin đồng nhất.
4. 4 Déjà vu do bệnh động kinh
Nhiều chuyên gia thần kinh khẳng định, người bị động kinh thường gặp hiện tượng Déjà vu so với những người không có rối loạn này. Nhiều bệnh nhân động kinh chia sẻ họ có cảm giác về sự quen thuộc giống như gặp Déjà vu trước khi xảy ra một cơn động kinh. Mối liên quan giữa Déjà vu và bệnh động kinh đã được nhắc đến vào cuối thế kỷ XIX, khi thuật ngữ Déjà vu mới chỉ được nhắc tới trong văn học với bức màn tâm linh bí ẩn, chưa được tâm lý học và thần kinh học nghiên cứu.
Khoa học thần kinh phân tích, thùy thái dương ở giữa là nơi được xem là thủ phạm gây nên hiện tượng Déjà vu. Thùy thái dương là phần bộ não có chức năng ngôn ngữ, trí nhớ và cảm nhận giác quan. Khi bị động kinh, khu vực này bị ảnh hưởng khiến các thông tin không được xử lý rành mạch, trở nên lộn xộn và truyền thẳng về não. Déjà vu có thể là kết quả của dây thần kinh bị cắt ngang qua mặt. Đây cũng là thủ phạm gây ra chứng động kinh.
4.5. Déjà vu do tổn thương não
Các nhà thần kinh học nhận định những người bị chứng Déjà vu thường xuyên có thể xem là Déjà vu mãn tính. Hiện tượng Déjà vu mãn tính thường gặp ở người có tổn thương não, nhất là tổn thương ở vùng thùy thái dương hoặc thùy trán. Cuộc sống của người mắc Déjà vu mãn tính khá vất vả, khổ sở vì những nỗi ám ảnh không thể gọi tên.
5. Sự liên quan của Déjà vu và giấc mơ
Nhiều người khẳng định, họ từng gặp hiện tượng Déjà vu trong giấc mơ. Một số khác lại chia sẻ, có sự trùng lặp giữa trải nghiệm Déjà vu và giấc mơ mà họ mới mơ gần đây. Điều này cho thấy có sự liên quan mật thiết giữa Déjà vu và những giấc mơ.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết nào về mối liên hệ bí ẩn này. Các nhà khoa học còn cần nhiều thời gian hơn để giải mã hiện tượng Déjà vu. Họ cũng khuyến cáo, với người mắc Déjà vu mãn tính, rất nên đi điều trị sớm để kịp thời phát hiện các tổn thương thực thể ở não bộ hoặc chứng động kinh nặng.