Đi tìm lý do trẻ sơ sinh có thể nhịn thở, ngụp lặn dưới nước nhiều phút đồng hồ
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ sáu, 29/04/2022 14:50 (GMT +7)
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao những đứa trẻ sơ sinh có thể vùng vẫy bơi lội trong nước một thời gian dài mà không bị sặc nước?
Trường hợp em bé 1 tuổi bị rơi xuống biển gần 1 giờ ở Quảng Ninh mà vẫn được cứu sống một cách diệu kỳ đang khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều người thậm chí còn không tin vào câu chuyện hoặc cho rằng em bé đã bám được vào đâu đó chứ không phải ngụp lặn trong nước không phao cứu sinh suốt gần 1 giờ đồng hồ trước khi được các chiến sỹ bộ đội biên phòng cứu. Tuy nhiên, việc trẻ nhỏ có thể nhịn thở và ngụp lặn dưới nước dù không biết bơi đã được khoa học chứng minh là hoàn toàn có thể.
Một người lớn bình thường nếu không học bơi nghiêm túc sẽ khó mà tự xoay sở được trong môi trường nước, thế nhưng điều này hoàn toàn ngược lại với các trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Chúng có thể vùng vẫy dưới nước như những vận động viên chuyên nghiệp.
Khả năng tuyệt vời này có được là nhờ các trẻ sơ sinh sở hữu khả năng sinh tồn như vận động viên bơi lội thực thụ, hay gọi là "phản ứng bradycardic" (phản xạ lặn). Điều này dễ thấy khi những đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi bị nhúng mặt xuống nước, chúng vẫn giữ được hơi thở một cách tự nhiên, không hề có biểu hiện bị sặc nước như những người trưởng thành chưa biết bơi.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là khi chìm toàn bộ cơ thể dưới nước, theo phản xạ sinh tồn, nhịp tim và nhịp thở của các bé sẽ chậm lại nhằm giúp chúng giữ lại oxy trong khi máu lưu thông để cung cấp chất dinh dưỡng cho các cơ quan quan trọng như tim và não. Không phải tất cả trẻ sơ sinh, nhưng hầu hết các bé đều có phản xạ nín thở trong thời gian ngắn khi ngâm mình trong nước nhằm bảo vệ khí quản của mình. Khả năng nín thở và bơi lội này của trẻ có thể được gọi là cơ chế phòng vệ của cơ thể.
Cụ thể, nhịp tim của bé có thể giảm xuống khoảng 20%, thanh môn của bé sẽ đóng chặt lại, nước đi vào đường hô hấp trên sẽ được chuyển xuống thực quản và đi vào dạ dày. Phản xạ bơi lặn này được gia cố thêm bằng khả năng tiết kiệm oxy trong các hoạt động của cơ thể, tập trung oxy cho phổi và tim.
Tuy nhiên đáng tiếc là khả năng này của trẻ sẽ mất dần đi theo năm tháng, khi mà bộ não dần dần kiểm soát hầu hết các phản ứng của con người. Ngoài ra, trẻ sơ sinh sẽ tự động quơ tay đạp chân một cách tự nhiên khi chúng úp mặt xuống nước. Dù bé không biết ngóc đầu lên để thở nhưng kết hợp với phản xạ lặn, bé có thể vùng vẫy trong nước một lúc mà không bị sặc nước, cũng không bị chìm.
Trong cuộc sống, nhiều đứa trẻ thường được bố mẹ cho đi học bơi từ khá sớm để tránh khỏi tỉ lệ đuối nước khi lớn lên, song phương pháp này không thực sự hữu hiệu bởi cơ bắp của chúng lúc này vẫn rất yếu, chưa thể sử dụng để thực hiện những hoạt động mạnh như bơi lội. Hầu hết trẻ sơ sinh có phản xạ nín thở, bơi và lặn khi được 6 tháng tuổi. Phản xạ này bao gồm nhiều yếu tố, chẳng hạn như ngừng thở - không ý thức được rằng mình cần thở để tồn tại, nhịp tim chậm lại để sử dụng ít oxy hơn và làm chậm lưu lượng máu, chủ yếu ở những khu vực như ngón tay và ngón chân.