Nguồn gốc của bánh tét, ý nghĩa của bánh tét trong ngày Tết Nam Bộ
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 08/02/2021 10:18 (GMT +7)
Bánh tét là món ăn không thể thiếu của người dân Nam Bộ mỗi dịp Tết đến. Vậy bánh tét bắt nguồn từ đâu và ý nghĩa của bánh Tét là gì mà được xem trọng như vậy?
Nếu miền Bắc có bánh chưng xanh, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh, thì miền Nam cũng có bánh tét với những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng độc đáo. Mỗi dịp xuân về, hầu hết các gia đình Nam Bộ đều ngồi quây quần gói bánh tét, tạo nên không khí đầm ấm của buổi sum họp cuối năm.
Người Nam Bộ chủ yếu gói 2 loại bánh tét: bánh chay dùng để cúng ông bà, bánh mặn dùng ăn trong bữa cơm ngày Tết. Món ăn này có thể dùng kèm dưa chua, củ kiệu hoặc thịt kho tàu. Hương vị giản dị nhưng gắn liền với nhiều giai thoại thú vị và mang ý nghĩa đặc biệt, mong muốn gia đình luôn ấm no, hạnh phúc.
Nguồn gốc của bánh tét
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, bánh tét của người dân Nam Bộ là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm và là sự mô phỏng hình tượng Linga của thần Siva (theo tín ngưỡng của người Chăm). Ngoài ra, theo quan điểm của giáo sư Quốc Vượng, món ăn này là sự kế thừa những giá trị của lớp tiền nhân đi trước. Khi người Việt bắt đầu mở rộng vùng đất phía Nam, do sự tiếp thu văn hóa tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với tín ngưỡng thờ Thần Nông nên người Việt đã học và tạo ra chiếc bánh tét như ngày nay.
Bên cạnh đó, ông bà xưa còn truyền tai nhiều giai thoại thú vị về việc hình thành chiếc bánh tét này. Điển hình là câu chuyện chiến thắng giặc ngoại xâm của vua Quang Trung khi đánh bại quân Thanh trong ngày Tết vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789. Lúc bấy giờ, trong khi cho quân lính nghỉ ngơi, một người lính nọ đã dâng lên vua một món ăn được làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh và gói thành hình trụ bằng lá chuối.
Vua Quang Trung ăn xong khen rất ngon và hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính trả lời đây là bánh do người vợ quê nhà thường gói để anh đem theo khi đi đường. Mỗi lần ăn bánh, anh càng nhớ, càng thương vợ nhiều hơn. Cảm động trước câu chuyện đó, vua Quang Trung bèn hạ lệnh cho mọi người gói món bánh này ăn trong dịp Tết và đặt tên thành "bánh Tết", thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi khi xuân về. Tuy nhiên, do tính chất vùng miền nên "bánh Tết" được đọc chệch thành "bánh tét" như ngày nay.
Ý nghĩa của bánh tét trong mâm cơm ngày Tết
Tết chẳng hề trọn vẹn với người dân Nam Bộ nếu thiếu đi món bánh tét. Với hình dáng đơn giản, được bọc nhiều lớp lá chuối, bánh tét khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến hình tượng người mẹ đang bảo vệ, bao bọc cho con cái. Ngoài ra, phần nhân màu xanh gợi lên hương vị đồng quê, hình ảnh của cánh đồng lúa chín đem đến ước mơ về cuộc sống "an cư lạc nghiệp". Nhân thịt mỡ tạo nên độ béo, hòa cùng nếp dẻo thơm thể hiện mong cầu cuộc sống đủ đầy, mùa màng thuận lợi.
Từ đó, bánh tét trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Nam Bộ. Món ăn thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn và nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa trong nền văn hóa lúa nước của dân tộc Việt Nam.
Sự khác biệt giữa bánh tét và bánh chưng
Công đoạn làm bánh chưng được chuẩn bị rất cầu kỳ từ những hạt nếp cái hoa vàng, đậu xanh, thịt mỡ cho đến lá dong, lạt che. Cách gói phải đảm bảo theo nguyên tắc "đậu trong gạo, gạo trong lá". Như vậy thì thành phẩm mới vuông vắn, đẹp mắt. Đặc biệt là sau khi cắt bánh thì phần nhân đậu, thịt nạc và gạo nếp phải luôn cân đối ở tất cả các miếng bánh.
Ngược lại, bánh tét lại phản chiếu phần nào tính cách thoải mái, hào sảng của người Nam Bộ. Đối với món bánh tét nhân thịt cũng gồm những nguyên liệu dân dã như: thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp (hoặc nếp cẩm); đôi khi lại có thể thay thế bằng đỗ đen hoặc gạo nhuộm màu tự nhiên. Khi gói cũng không cần quá chỉn chu, miễn sao phần nhân bên trong giữ trọn được vị mềm dẻo của gạo nếp, hòa quyện cùng vị bùi của đỗ xanh, vị béo của thịt mỡ là được.
Ngày nay, để tạo hiệu ứng, người ta còn sáng tạo thêm cách gói bánh tét nhân chữ nhiều màu sắc. Mỗi đòn bánh tét tương ứng với một chữ cái. Do đó, để hoàn thiện thì bạn cần phải gói nhiều đòn khác nhau rồi mới cắt, ghép các chữ lại. Cách làm này tùy mất thời gian nhưng lại đem đến sự đẹp mắt trong mỗi mâm cỗ ngày Tết.
Tết đến xuân về, không khí rộn ràng lại ngập khắp từng con phố, ngõ nhỏ. Đâu đó vẫn có những gia đình đang mong mỏi đứa con đi học, đi làm ăn xa để trở về đoàn tụ, sum vầy. Và chẳng còn gì hạnh phúc bằng việc được trở về nhà sau một năm đầy mỏi mệt để tận hưởng sự bình yên và cảm giác quây quần bên bếp lửa trông chờ nồi bánh tét trong đêm 30 Tết!